Kinh tế thế giới 2020: Lạc quan trong thận trọng
Thế giới - Ngày đăng : 07:30, 01/01/2020
Trong khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một thì kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Anh đã định hình rõ lộ trình nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), phần nào giải tỏa nỗi lo lắng bao phủ thị trường tài chính trong thời gian dài.
Giá dầu thô đã tăng lên mốc cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tràn ngập sắc xanh bao phủ các chỉ số Dow Jones, S&P và Nasdaq... Nhiều phân tích lạc quan cho rằng, đây có thể là “cú hích” giúp khôi phục lòng tin kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2020.
Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, năm 2020 sẽ là một năm êm ả hơn đối với kinh tế thế giới cùng mức tăng trưởng vào khoảng 3,1%. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tỏ ra lạc quan hơn khi dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm 2020.
Giám đốc nghiên cứu về các chu trình kinh doanh và tăng trưởng của tổ chức The Conference Board, ông Ataman Ozyidirimtheo cho rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2020 do sản xuất công nghiệp sẽ thoát khỏi đình trệ. Những thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này do giá nhiên liệu, hàng hóa tăng và thị trường tiền tệ ổn định hơn.
Ngoài ra, trong năm 2020, sức tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục được cải thiện, niềm tin kinh doanh được phục hồi khi sản xuất công nghiệp tăng và căng thẳng thương mại giảm. Một dự báo khác cũng nhận định trong năm 2020, kinh tế Nga, Ấn Độ và Brazil có thể bứt phá. Theo các chuyên gia của IMF, những quốc gia này đã chuẩn bị từ những năm trước để bước vào giai đoạn vươn lên.
Tuy nhiên, tính chất khó lường trong cuộc cạnh tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh Mỹ - Trung Quốc, cùng những diễn biến địa - chính trị phức tạp ở phần còn lại của thế giới khiến kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với những rủi ro. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, thương mại và đầu tư suy yếu đã cản trở hoạt động kinh tế trong hai năm qua.
Trong khi đó, việc Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một chưa thể giải quyết dứt điểm bất đồng Mỹ - Trung Quốc trong dài hạn. Khả năng hai bên đạt thỏa thuận toàn diện vẫn còn mơ hồ bởi ngay cả nội dung văn kiện giai đoạn một cũng chưa được công bố chi tiết và văn bản chính thức chưa được lãnh đạo hai nước phê chuẩn. Nguy cơ Mỹ hoặc Trung Quốc "đổi ý vào giờ chót" như từng xảy ra vẫn có thể lặp lại.
Trong khi đó, cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại tương lai giữa EU và Anh thời “hậu ly hôn” mới chỉ bắt đầu và được dự báo sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, sự nổi lên của các ông lớn công nghệ với lượng dữ liệu khổng lồ có khả năng sẽ tái định hình nhiều lĩnh vực của thế giới trong năm 2020. Trong đó, đấu trường trực tuyến được xem như một mặt trận khác trong các cuộc chiến thương mại và tạo thêm rủi ro đối với nền kinh tế. Đây là những yếu tố khiến giới đầu tư thận trọng trong năm mới.
Cho dù bầu không khí dễ chịu đang lan tỏa, thế giới vẫn đối diện với nhiều thách thức trong năm 2020 khiến nền kinh tế tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Theo IMF, để giảm thiểu nguy cơ, ưu tiên hiện tại là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững và kiềm chế căng thẳng địa - chính trị. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của từng quốc gia hoàn toàn không dễ thỏa hiệp.