Các chính sách ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020

Tài chính - Ngày đăng : 08:05, 01/01/2020

Công ty tài chính cần số vốn tối thiểu 500 tỷ đồng và chỉ được giải ngân cho khách không có nợ xấu... là 2 trong số các quy định có hiệu lực từ năm mới 2020.

Từ đầu năm 2020, hàng loạt quy định mới trong lĩnh vực ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực nhằm tăng cường sức khỏe nội tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng và khả năng giám sát, quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Tối thiểu 15 triệu USD để mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Nghị định 86/2019 của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ ngày 15-1-2020 quy định cụ thể về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Trong đó, vốn pháp định tối thiểu để thành lập, hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng hợp tác xã tại Việt Nam là 3.000 tỷ đồng. Trong khi vốn để hoạt động ngân hàng chính sách được yêu cầu sẽ là 5.000 tỷ đồng.

Với nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài muốn mở chi nhánh tại thị trường Việt Nam, mức vốn tối thiểu phải đáp ứng sẽ là 15 triệu USD.

Deutsche Bank AG có chi nhánh hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Reuter.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định mức vốn tối thiểu để mở và duy trì công ty tài chính là 500 tỷ đồng; công ty cho thuê tài chính là 150 tỷ đồng và 5 tỷ đồng với tổ chức tài chính vi mô….

Các tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động trước khi nghị định này có hiệu lực cũng phải bảo đảm có vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định nói trên.

Áp chuẩn Basel II với hệ thống ngân hàng

Có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, Thông tư 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định loạt tiêu chuẩn về vốn, hoạt động của các ngân hàng tương đồng với tiêu chuẩn Basel II của thế giới.

Theo đó, quy định tất cả ngân hàng phải có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 8%.

Hiện tại, trong hệ thống có 18/34 ngân hàng đã đáp ứng tiêu chuẩn thông tư này gồm Vietcombank, VIB, OCB, ACB, TPBank, MBBank, VPBank, Techcombank, MSB, HDBank, Shinhan bank, Vietcapital bank, SeABank, Standard Chartered Việt Nam, VietBank, Lienvietpostbank, NamABank, BIDV.

Với những ngân hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn tại Thông tư 41 sẽ áp dụng theo Thông tư 22/2019 cũng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và được tính theo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Basel I là 9%.

Tuy nhiên, các ngân hàng không đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II sẽ bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng đã hoàn thành.

Tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản

Thông tư số 22/2019 cũng thay đổi hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay phục vụ kinh doanh bất động sản trên thị trường.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2020, các khoản cho vay để phục vụ kinh doanh bất động sản sẽ bị áp hệ số rủi ro 200% (hiện tại là 150%). Đồng thời, hệ số rủi ro với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà cũng bị áp dụng từ 50% đến 150% tùy giá trị giải ngân.

Cho vay tiêu dùng với cá nhân để mua nhà ở sẽ bị siết theo hướng tăng hệ số rủi ro trên mỗi khoản vay. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh

Trong đó, các khoản cho vay được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất sẽ có hệ số rủi ro 50% đáp ứng một số điều kiện (khoản vay cá nhân để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ và khoản cho vay cá nhân mua nhà dưới 1,5 tỷ đồng).

Đối với các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản cho vay khách hàng đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% (từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 31-12-2020) và sau đó sẽ nâng lên 150% (từ ngày 1-1-2021).

Giới hạn tín dụng của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB)

Thông tư 07/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định giới hạn cấp tín dụng của Ngân hàng VDB cũng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Trong đó quy định, tổng dư nợ của ngân hàng này (gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có không quá 15% với một khách hàng, và không quá 25% với một nhóm khách hàng (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định).

Tổng dư nợ tín dụng của VDB bao gồm cho vay của tín dụng đầu tư; tín dụng xuất khẩu; cho vay lại vốn ODA…

Ngoài ra, VDB cũng bị yêu cầu phải nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản cao để dự trữ đáp ứng nhu cầu chi trả khi đến hạn và phát sinh ngoài dự kiến.

Trong đó, ngân hàng phải duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu 0,6% từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2020. Sau đó tăng dần lên 1% (từ 2021), 1,5% (từ 2023) và 2% (từ 2025).

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động (LDR) của ngân hàng này cũng phải giảm về mức 95% từ năm 2021.

Siết cho vay tiêu dùng

Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 43/2016 quy định trong lĩnh cho vay tiêu dùng của công ty tài chính sẽ hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Trong đó quy định, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng của CIC.

Tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp một khách hàng trên tổng dư nợ tiêu dùng tại thời điểm cuối ngày liền trước ngày ký kết hợp đồng cho vay của công ty tài chính phải tuân thủ theo tỷ lệ tối đa 70% từ năm 2021. Tỷ lệ tối đa này sẽ giảm 10 điểm phầm trăm trong mỗi năm tiếp theo và giảm về tối đa 30% cho tới năm 2024.

Từ 2020, các công ty tài chính sẽ bị cấm gọi điện đòi nợ theo kiểu khủng bố khách hàng. Ảnh minh họa: Quang Thắng.

Ngoài ra, Thông tư 18 cũng siết chặt hơn các quy định trong việc đòi nợ khách hàng của công ty tài chính.

Các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa để đòi nợ đối với khách hàng, đồng thời không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về khoản nợ cho người thân của khác (trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan quản lý).

Các công ty tài chính cũng chỉ được nhắc nợ với khách hàng tối đa 5 lần/ngày và trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ.

Dùng ví điện tử không quá 100 triệu đồng/tháng

Cũng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, Thông tư 23/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định tổng hạn mức giao dịch qua ví điện tử của một khách hàng cá nhân tại một tổ chức cung ứng ví điện tử không quá 100 triệu đồng/tháng.

So với dự thảo, Thông tư 23 đã bãi bỏ hạn mức giao dịch theo ngày của khách hàng cá nhân qua ví điện tử là tối đa 20 triệu đồng/ngày.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng không quy định hạn mức giao dịch với ví điện tử của khách hàng tổ chức như dự thảo đưa ra là tối thiểu 100 triệu đồng/ngày và không quá 500 triệu đồng/tháng.

Theo các chuyên gia, việc không giới hạn mức giao dịch theo ngày của cá nhân sẽ khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại thông tư mới, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc cấm sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch với mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Theo Quang Thắng/Zing