Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ
Tài chính - Ngày đăng : 11:44, 02/01/2020
Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019 là năm bản lề quan trọng của hoạt động ngân hàng và ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ giá và lãi suất được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu có nhiều biến động, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay; cân đối hài hòa giữa người vay và người gửi tiền, nguồn vốn bảo đảm hỗ trợ nền kinh tế.
Công tác quản lý dự trữ ngoại hối đảm bảo đúng quy định của Chính phủ là an toàn tuyệt đối, hiệu quả và sinh lời. Đặc biệt, năm 2019, chúng ta đã mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối (gần 80 tỷ USD) nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, không gây tác động lên lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện rất nhất quán và giữ được nền tảng ổn định cho nền kinh tế.
“Chúng ta đã điều hành tốt nên lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức thấp, giữ nền tảng vĩ mô ổn định, tạo dư địa cho Chính phủ, các bộ, ngành điều hành giúp kinh tế tăng trưởng tốt”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Theo báo cáo của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, năm 2019, chính sách tiền tệ tiếp tục được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ. Sau các động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12-2019, toàn hệ thống đã xử lý được 1.064.000 tỷ đồng nợ xấu.
Năm 2020, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước và giao dịch với tổ chức tín dụng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng...
Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng thương mại cũng đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, giúp các ngân hàng chủ động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo toàn ngành thực hiện thành công các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, chất lượng tín dụng được giám sát và kiểm soát chặt chẽ...
Tiếp tục giảm lãi suất để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm 2019, đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn vươn lên phát triển toàn diện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự thành công của Việt Nam đến từ chính sách điều hành đúng đắn, trong đó có thành tích nổi bật của ngành Ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan trong sản xuất thương mại, đầu tư xuất nhập khẩu đã bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, chất lượng tín dụng được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tốt cung tiền, lãi suất, lạm phát thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Tỷ giá cơ bản ổn định, doanh thu ngân hàng liên tục tăng, góp phần củng cố tiềm lực, uy tín của Việt Nam trên thế giới. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn... Nợ xấu được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh so với trước. Ngành Ngân hàng đã nắm bắt xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, tiên phong ứng dụng để đưa ra nhiều sản phẩm tiện ích... Thủ tướng cũng đánh giá cao những ngân hàng xung phong cùng Chính phủ hỗ trợ các công trình mà Nhà nước thực hiện.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, chính sách tiền tệ, tỷ giá tiếp tục điều hành hiệu quả và kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Thực hiện cho được cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, thúc đẩy tăng trưởng năm 2020 cũng như trong trung và dài hạn. Quản lý tốt hơn nữa thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, dự báo được những biến động bất lợi, phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Tín dụng tập trung vào những lĩnh vực Chính phủ ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro....