6 bước đập tan lo lắng trước khi phỏng vấn xin việc
Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 15:12, 03/01/2020
“Nằm lòng” các kiến thức và tập trả lời trước ngày phỏng vấn
Kể cả khi bạn đã chuẩn bị tất tần tật những gì liên quan đến buổi phỏng vấn xin việc làm, bạn vẫn có thể trải qua cảm giác lo lắng. Vì thế, càng chuẩn bị kỹ thì càng tốt. Hãy lấy kiến thức chuyên môn nhuần nhuyễn làm nền tảng vững vàng và là “liều thuốc” giúp bạn bình tĩnh, bớt lo lắng khi phỏng vấn. Đồng thời, bạn cũng nên tìm hiểu trước những câu hỏi có thể gặp và tập trả lời chúng, tạo cho mình một tâm thế tốt nhất trước khi bước vào phòng phỏng vấn.
Ăn mặc phù hợp
Vẻ ngoài tươm tất sẽ giúp bạn thêm phần tự tin khi bước vào buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, cũng đừng quá chú tâm vào tóc tai, trang phục mà làm mất tập trung khỏi vấn đề chuyên môn. Bạn không cần phải quá cầu kỳ rườm rà, hãy mặc những gì lịch sự, chuyên nghiệp vừa đủ và khiến bạn thoải mái. Nếu bạn đến với một chiếc áo khoác, nên cởi bỏ nó khi vào phỏng vấn. Cảm giác ngột ngạt, nóng nực sẽ khiến bạn không thể bùng nổ 100% năng lượng được.
Đến sớm trước giờ phỏng vấn
Đến sớm hơn 10 hoặc 15 phút trước giờ phỏng vấn xin việc sẽ cho bạn nhiều thời gian hơn để xem lại các ghi chú, chỉnh sửa trang phục cũng như chuẩn bị tâm lý. Bạn có thể nghe một chút nhạc để thư giãn, vận động nhẹ nhàng để giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, cũng không nên đến quá sớm vì điều này dễ khiến bạn phải chờ đợi trong lo lắng, thấp thỏm.
Thả lỏng cơ thể, hít thở sâu
Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, thả lỏng các cơ bắp, khớp xương sẽ giúp lấy lại cân bằng cho cơ thể cũng như ổn định tâm lý. Vận động cơ thể nhẹ nhàng hoặc xoa bóp một số vùng cơ bắp như vai, hông, khớp tay... sẽ giúp bạn giảm stress vô cùng hiệu quả. Thậm chí, nó còn hiệu quả hơn khi kết hợp với việc hít thở sâu và tưởng tượng mình đang ở một không gian thoáng đãng. Trong lúc chờ phỏng vấn, hãy hít thở thật chậm và sâu từ 4 đến 5 lần. Điều này giúp kích thích các tế bào ở não và giữ được bình tĩnh.
Suy nghĩ theo hướng tích cực, giảm nhẹ mức độ của vấn đề
Trước buổi phỏng vấn, hãy tự động viên, khích lệ bản thân bằng những suy nghĩ tích cực “Mình sẽ làm được”, “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”... Đừng tự tạo áp lực, buộc bản thân phải thành công cho bằng được, mà hãy coi buổi phỏng vấn này là một thử thách và trải nghiệm quý giá. Đồng thời, hãy luôn chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Nếu điều không tốt xảy ra, bạn có thể tiếp nhận với thái độ bình tĩnh hơn.
Trả lời từ tốn, ngắn gọn, rõ ràng
Rất nhiều ứng viên do quá lo lắng mà vô tình “bắn” liên tục các câu trả lời, làm người phỏng vấn không thể nhớ được toàn bộ nội dung bạn đang cố gắng truyền tải. Nhà tuyển dụng thích những câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đi đúng trọng tâm vấn đề. Qua cách bạn diễn đạt, họ cũng đánh giá được năng lực cũng như sự chuẩn bị, khả năng phản ứng nhanh nhạy của bạn. Do đó, hãy tập cách nói chuyện từ tốn, rõ ràng. Khi đã có sự tự tin trong giao tiếp, bạn sẽ bước vào phòng phỏng vấn xin việc một cách tự tin hơn.