Tăng cường phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình
Đời sống - Ngày đăng : 16:36, 03/01/2020
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Việt Nam đã có hệ thống luật pháp, chính sách tương đối hoàn thiện liên quan tới bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng, nhưng một số quy định vẫn còn mang tính chất nguyên tắc, chưa phản ánh được những đặc điểm, yêu cầu của biện pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 2 năm 2017 và 2018, trên toàn quốc xảy ra 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Qua giám sát của Quốc hội tại 17 tỉnh/thành phố, các vụ việc bạo lực và xâm hại trẻ em xảy ra trong gia đình, do người thân quen, thậm chí là người ruột thịt, thân thích… chiếm tỷ lệ đáng kể.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội Lê Thị Nga cho rằng, cơ quan chức năng cần đánh giá đúng mức độ thực trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình và đánh giá đúng đặc điểm của những gia đình để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm có biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, hiện nay, pháp luật của nước ta về bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình tương đối tốt nên không thể đổ lỗi cho thể chế, pháp luật mà cần xem lại khâu tổ chức thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình; một bộ phận các gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, không quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà giao phó cho nhà trường; nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới trong gia đình có diễn biến phức tạp...
Trong khi đó, đối tượng trẻ em bị xâm hại là rất đa dạng, mọi trẻ em đều có nguy cơ trở thành nạn nhân, không phân biệt dân tộc, học vấn, điều kiện kinh tế, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân. Hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ, từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Việt Nam đã có hệ thống luật pháp, chính sách tương đối hoàn thiện liên quan tới bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, nhưng một số quy định vẫn còn mang tính chất nguyên tắc, áp dụng cho mọi đối tượng, chưa phản ánh được những đặc điểm, yêu cầu của biện pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình chưa sát với thực tiễn, chưa phát huy hiệu quả.
Để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đạt được các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho công tác gia đình vào năm 2020 tại Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020; Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020; Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020...
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; triển khai thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của gia đình, của ông, bà, cha, mẹ và các thành viên khác trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Các đại biểu kiến nghị, Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em 2016, đặc biệt là giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành và của gia đình; xem xét sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng bổ sung đối tượng các cháu có cha, mẹ ly hôn phải sống với cha dượng vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xem xét sửa đổi quy định của Luật Giám định tư pháp liên quan đến trẻ em; quy định xử phạt các đối tượng dù phát hiện các vụ việc xâm hại trẻ em nhưng không tố giác.