Kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát
Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 03/01/2020
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12-2019 tăng 1,4% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng cao, dưới sự ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ trong việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%...
Bà Phạm Thị Hạnh (địa chỉ 21/22, đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) phản ánh: "Trên thực tế thì thời giá vẫn ổn định, không có sự thay đổi đột biến nào gây ảnh hưởng đến mức chi tiêu của các hộ gia đình. Chỉ có giá thịt lợn tăng và ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng lựa chọn thực phẩm hằng ngày của chúng tôi. Nhưng, người dân cũng chuyển dần sang sử dụng các loại thịt khác, hoặc thủy sản, nên vấn đề cũng không quá nặng nề".
Nhận định về bức tranh chung, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP tăng trưởng cao, nhưng CPI tăng thấp là một thành công lớn của nền kinh tế, cho thấy nội lực, khả năng chống chọi và sức bứt phá của nền kinh tế đã được tăng cường rất nhiều.
Từ góc độ chuyên gia, ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương) phân tích, kiềm chế lạm phát năm qua có kết quả tốt là do Chính phủ đã thường xuyên họp, kiểm điểm tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến CPI; nhất là các yếu tố khách quan, giá cả đầu vào của nguyên, nhiên liệu, vật tư cho sản xuất trên thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước để có những chỉ đạo, điều hành phù hợp. Mặt khác, tình hình thị trường năm nay nói chung không có biến động nhiều, sức cầu không tăng đột biến trong khi năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao. Những yếu tố trên tạo điều kiện bảo đảm quan hệ cung - cầu một cách bền vững, nên CPI nhìn chung giữ được sự ổn định.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và Tổng cục Thống kê xây dựng kịch bản về CPI theo từng quý để có cách ứng phó, nhằm bảo đảm CPI được khống chế trong ngưỡng an toàn; tăng ở mức thấp và hợp lý... Ngoài ra, các cấp, ngành đã tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, chuẩn bị tốt nguồn hàng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Công tác quản lý bình ổn giá được thực hiện tốt tại các địa phương, điều hành tỷ giá theo cơ chế linh hoạt.
Phát huy kết quả đã đạt được, tại phiên họp cuối năm (ngày 25-12-2019) của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá công tác điều hành giá năm 2020 sẽ thách thức hơn năm 2019 nhưng Ban Chỉ đạo thống nhất lựa chọn điều hành lạm phát năm 2020 từ 3,59% đến 3,91%.
“Mặc dù sức ép lên lạm phát còn nhiều, nhất là sức ép từ giá thịt lợn sẽ đẩy lạm phát trong quý I-2020 tăng cao trên 4% nhưng Ban Chỉ đạo nhận thấy hoàn toàn có khả thi khi để lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội trên nguyên tắc tuân thủ yêu cầu của thị trường, cung - cầu hàng hóa”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý IV-2020; điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả các loại hàng chứ không riêng gì thực phẩm...
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương trong năm 2020 hoàn thành sửa biểu giá điện hiện hành, điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường thế giới kết hợp với sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu đề xuất sửa Luật Đất đai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đánh giá tác động của việc thay đổi khung giá đất theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ.