Nhân rộng mô hình sản xuất nông sản sạch
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:31, 03/01/2020
Với vườn đu đủ sạch gần 1ha, hằng năm, gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) thu về hơn 250 triệu đồng. Bà Lan chia sẻ: "Sau khi được Hội Nông dân xã cùng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nam Sơn hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình đã chuyển sang trồng đu đủ an toàn. Loại cây này chăm sóc dễ, trồng đúng quy trình VietGAP nên chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, tiêu thụ thuận lợi, hiệu quả kinh tế đạt gấp 2-3 lần trồng lúa".
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Sơn Trần Xuân Vĩnh, toàn xã Nam Sơn hiện có hơn 500 hộ trồng cây đu đủ Đài Loan với tổng diện tích hơn 55ha, trong đó, 30ha đã có chứng nhận VietGAP. Chất lượng quả đu đủ thơm ngon, an toàn, được nhiều người ưa chuộng mang lại giá trị kinh tế vượt trội...
Tương tự, nông dân huyện Thường Tín cũng đang chuyển dần sang các mô hình sản xuất an toàn. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoàng Văn Nhiên cho biết, hưởng ứng phong trào “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”, các cấp Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng… hướng dẫn nông dân các mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả.
Nhờ đó đến nay, Thường Tín đã xây dựng được 5 mô hình liên kết chuỗi tại các xã: Ninh Sở, Lê Lợi, Văn Bình...; 14 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 355ha... Hiệu quả kinh tế của các mô hình đạt từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm tùy theo từng loại cây trồng, vật nuôi…
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê thông tin, năm 2019, Hội đã phối hợp, hướng dẫn thành lập được 10 hợp tác xã và 28 tổ hợp tác với 156 mô hình trồng trọt, 56 mô hình chăn nuôi, 58 mô hình kinh doanh dịch vụ và 24 mô hình thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng cao…
Đặc biệt, để nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất an toàn, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp tổ chức 3 cuộc hội thảo về “Phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn” tại các huyện: Đông Anh, Thạch Thất, Thường Tín... cho 700 đại biểu nông dân, cán bộ hợp tác xã; tổ chức 9 hội nghị tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao với sự tham gia của 900 cán bộ, hội viên nông dân...
“Năm 2020, Hội Nông dân thành phố phấn đấu có 100% hội viên nông dân thường xuyên được tiếp cận kiến thức về kỹ năng thu thập thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hội cũng tiếp tục vận động 100% hộ nông dân tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”, ông Lê Trọng Khuê nhấn mạnh.