Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Chính trị - Ngày đăng : 12:48, 03/01/2020
Tại thành phố Hà Nội, hội nghị được kết nối với điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội, các điểm cầu quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố; các báo cáo viên thành phố...
Quán triệt nội dung cơ bản của Nghị quyết số 52-NQ/TƯ tại hội nghị, Tiến sĩ Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số.
Cuộc cách mạng này đang làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Năm 2018, theo điều tra của Bộ Công Thương, 81,3% doanh nghiệp chưa có chiến lược tiếp cận, mức độ sẵn sàng mới chỉ là 0,14/5.
Trước tình hình đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta là chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hợp tác quốc tế sâu rộng. Để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trung ương Đảng đã đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Đáng chú ý, về thể chế, Trung ương chỉ đạo phải hoàn thiện pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng.
Trung ương cũng xác định phải có chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh.