Ngăn lửa, giữ rừng bằng nhiệt huyết trái tim
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:08, 04/01/2020
Tâm huyết bảo vệ rừng
Chỉ khi được chứng kiến tình huống diễn tập chữa cháy rừng mới hình dung được sự tàn phá của lửa đối với cả khu rừng nhanh đến thế nào trong mùa hanh khô. Lửa vừa châm, thảm thực bì dưới những tán cây thông đang còn xanh mướt đã biến thành tro tàn. Ngọn lửa sẽ nhanh chóng lan ra cả khu rừng nếu không có những chiếc máy thổi gió trên vai những cán bộ Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn (Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội)...
Với hơn 30 năm làm công việc bảo vệ rừng, ông Trần Tuấn Khanh, cán bộ Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn cho biết, với ông đây như là một nghề “gia truyền”. “Bố mẹ tôi làm ngành lâm nghiệp. Từ nhỏ tôi đã được bố mẹ truyền cho tình cảm đối với những cánh rừng quê hương, khi lớn lên tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải tiếp tục gìn giữ”, ông Khanh tâm sự. Nhìn khu rừng thông tươi tốt, ông Khanh không khỏi đau xót khi nhớ lại vụ cháy rừng phòng hộ ở xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) vào đầu tháng 6-2017. Thời điểm xảy ra cháy đúng vào dịp nắng nóng nhất trong năm, đám cháy bùng phát dữ dội khi bén vào những cây thông.
“Chúng tôi cùng các lực lượng chức năng và người dân đã nỗ lực chữa cháy suốt hơn nửa ngày để bảo vệ từng gốc cây, vạt đồi, tuy nhiên vẫn có khoảng 100ha rừng bị ảnh hưởng. Bao nhiêu mồ hôi, công sức trồng cây gây rừng bay theo tàn tro”, ông Khanh bùi ngùi nhớ lại.
Để không lặp lại những thảm họa như năm 2017, Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn đã cắt cử đội viên cùng các chủ khoán rừng liên tục tổ chức tuần tra nhằm phát hiện, xử lý nhanh những sự cố cháy có thể xảy ra. Ông Nguyễn Bá Thiện, cán bộ Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn chia sẻ, hầu hết cán bộ bảo vệ rừng đều là người địa phương, xem rừng như tài sản của mình để ra sức gìn giữ. “Mỗi người chúng tôi tại nơi sinh sống hay trên đường tuần tra đều ra sức tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác phòng cháy và những kỹ năng an toàn cho người dân cũng như những chủ khoán rừng”, ông Thiện nói.
Theo ông Bùi Xuân Thắng, chủ khoán rừng ở xóm 6, thôn Hoa Sơn (xã Nam Sơn), những nỗ lực nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng nói chung và phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng của các cán bộ Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn đã phát huy hiệu quả khi trong năm qua rừng Sóc Sơn không xảy ra cháy lớn, các sự cố cháy nhỏ đều được dập tắt kịp thời.
Song, nguy cơ cháy luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại hơn 1.744ha rừng tại huyện Sóc Sơn. Ông Trần Hồng Phú, Phó Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn cho biết, khu vực hồ Hàm Lợn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) là địa điểm thường xuyên được du khách, học sinh, sinh viên đến vui chơi, cắm trại. Du khách tổ chức nấu ăn, đốt lửa trại ngay tại bìa rừng gây mất an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đã có đến 5-6 lần việc đốt lửa vui chơi khiến cháy lan sang thảm thực bì. Rất may, lực lượng bảo vệ đã ngay lập tức có mặt, tổ chức dập tắt đám cháy.
Cảnh giác với dịp Tết - mùa hanh khô
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý, bảo tồn và phát triển rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) thông tin, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác nhưng lực lượng bảo vệ rừng đã thực hiện rất tốt việc phát hiện sớm và khống chế kịp thời các sự cố cháy nhỏ. Ban Quản lý cũng lập đội cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng với quân số 11 người, được trang bị đầy đủ các thiết bị chữa cháy để có thể ứng phó khi có sự cố xảy ra. Trong năm 2019, lực lượng bảo vệ cùng với các chủ khoán rừng đã phối hợp tốt với các lực lượng chức năng, dập tắt thành công 4 vụ cháy xảy ra tại rừng Sóc Sơn, bảo đảm không phát sinh cháy lớn.
Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng Công an huyện Sóc Sơn cho biết, để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, trong thời gian qua Công an huyện đã yêu cầu các xã có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng đến từng thôn, cụm dân cư và đơn vị bảo vệ rừng.
“Các cán bộ của Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn thường xuyên ứng trực, tuần tra, giám sát liên tục các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy. Bên cạnh đó, các cán bộ bảo vệ rừng cũng thường xuyên tuyên truyền vận động quần chúng, nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng nói chung và phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng”, Trung tá Tô Hồng Nho nói.
Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đang tới gần cũng là thời điểm mùa hanh khô đang vào thời gian cao điểm. Những cán bộ bảo vệ rừng Sóc Sơn vẫn miệt mài với công tác. Ông Trần Hồng Phú cho biết, những ngày Tết Nguyên đán lại là những ngày có nguy cơ cao về cháy rừng. Kinh nghiệm như ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 đã xảy ra cháy tại xã Nam Sơn, phải huy động 400 người tham gia chữa cháy. Do đó, cũng như mọi năm, Tết Nguyên đán sắp tới toàn bộ cán bộ bảo vệ rừng chia ca trực, bảo đảm thời điểm nào cũng có hơn 50% quân số túc trực, ngay cả trong thời khắc Giao thừa. Bởi nếu xảy ra sự cố cháy vào những ngày Tết cổ truyền thì việc huy động người dân tham gia chữa cháy là điều rất khó.
Ông Trần Hồng Phú khẳng định, những cán bộ của Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn luôn luôn xem rừng là nhà, là máu thịt nên không tiếc mồ hôi, công sức để giữ gìn, bảo vệ. Tuy nhiên, qua trao đổi với những cán bộ bảo vệ rừng Sóc Sơn, có thể nhận ra công việc này chưa mang lại thu nhập tương xứng với công sức họ đã bỏ ra. Tham gia chữa cháy, nhiều người bị ngạt khói, bỏng da nhưng không có chế độ bồi dưỡng. Mức lương hằng tháng cũng không đủ để trang trải cuộc sống.
Ngắm nhìn khu rừng tươi tốt mang màu xanh ngút ngàn mới có thể thấm thía được công sức của những người cán bộ bảo vệ rừng đã giữ rừng như giữ ngôi nhà mình ở. Những bước chân thầm lặng đó đã, đang và sẽ tiếp tục giữ gìn lá phổi xanh của Thủ đô bằng cả trái tim của mình.