Hướng đến giá trị bền vững
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:49, 05/01/2020
Mỗi dịp lễ hội là một dịp góp phần gìn giữ, bảo lưu và phát triển những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Lễ hội giúp gắn kết cộng đồng, là minh chứng cho nét đẹp của văn hóa truyền thống. Do đó, giữ được nét tinh túy, hồn cốt của lễ hội là nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các địa phương với đòi hỏi ngày càng cao để trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Với Hà Nội, những lễ hội như: Chùa Hương, đền Hai Bà Trưng, đền Phù Đổng, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Cổ Loa... đã nức tiếng gần xa; song đâu đó, việc tổ chức vẫn còn những “hạt sạn” khiến người dân không hài lòng... Với quyết tâm lành mạnh hóa lễ hội, không chỉ năm nay mà từ một số mùa trước, Hà Nội đã “gạn đục, khơi trong” để trả lễ hội về đúng với giá trị cốt lõi vốn có và cần phát huy.
Theo đó, ngay từ khi lễ hội chưa vào mùa, các địa phương đã lập kế hoạch chi tiết, rút kinh nghiệm từ mùa trước để tìm bài học hay cho mùa sau. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và kỷ cương trong tổ chức lễ hội cũng được đề cao.
Nhờ thế, những hạn chế trong các lễ hội đã dần được thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nhiều lễ hội dần đi vào nền nếp; tính tùy tiện, tự phát, thiếu kế hoạch đã được khắc phục, thay vào đó là việc tổ chức có kế hoạch, có bài bản và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Xuân Canh Tý đang đến gần, lễ hội cũng đang bước vào mùa mới nên ngay từ bây giờ, mỗi địa phương có lễ hội cần bắt tay ngay vào triển khai từng công việc cụ thể. Bởi lễ hội mang tính gắn kết cộng đồng, nên trước hết phải làm cho cộng đồng hiểu, nhận thức đúng về lễ hội để bản thân mỗi người có ý thức giữ gìn, thanh lọc cái hay, loại bỏ hành vi không đẹp.
Những gì không còn phù hợp với thực tế cuộc sống, cơ quan chức năng, các chuyên gia văn hóa và chính quyền địa phương phải phân tích để người dân đồng thuận để thay đổi, điều chỉnh, bổ sung nhận thức.
Chủ thể của lễ hội là người dân, do đó, việc tuyên truyền phải được đẩy mạnh để khơi lên giá trị nhân văn của lễ hội, gợi lòng hướng thiện của nhân dân. Khi hiểu, người dân sẽ tự giác chung tay bảo tồn phong tục, tập quán tốt đẹp theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ; đồng thời góp phần làm cho lễ hội đẹp hơn bằng việc giữ gìn môi trường, cảnh quan, bài trừ mê tín, dị đoan...
Nhằm giảm tải việc chen lấn, xô đẩy nơi chính hội, ban tổ chức các lễ hội cũng nên mở rộng không gian hoạt động để du khách có thêm nhiều trải nghiệm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm không có sự biến tướng, thương mại hóa...
Đi đôi với giải pháp mềm cũng phải có những biện pháp cứng rắn. Đó là việc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, phản cảm; ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách. Có thể lắp đặt camera an ninh ở vị trí phù hợp để ngăn ngừa hành vi trộm cắp, móc túi, đổi tiền lẻ, mê tín dị đoan... Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã tỏ rõ tính hiệu quả.
Do đó, các địa phương cần chấp hành nghiêm quy định tại nghị định này để lễ hội ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp hóa, đồng thời bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước trên địa bàn cả nước.
Mùa lễ hội là thời điểm con người trở về với cội nguồn, là sợi dây kết nối cộng đồng. Làm cho dòng chảy di sản luôn được khơi dòng, ngoài sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương còn có sự nâng niu, trân trọng, tham gia gìn giữ của mỗi người dân. Tổ chức và tham gia lễ hội theo một nếp văn minh, lành mạnh, hướng thiện chính là cách để mỗi chúng ta tạo ra những giá trị bền vững cho mùa lễ hội mới của Thủ đô, bồi đắp thêm cho vốn liếng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.