"Lối đi" cho công nghiệp văn hóa phát triển
Văn hóa - Ngày đăng : 10:52, 05/01/2020
Không chỉ lĩnh vực du lịch, các lĩnh vực khác liên quan đến phim cũng có sự chuyển động. Ca khúc trong phim vang lên ở khắp mọi nơi và bắt đầu xuất hiện những chương trình biểu diễn âm nhạc “Mắt biếc”. Nhà sản xuất phim còn tổ chức hẳn một cuộc thi cover (hát lại) nhạc phim và nhận được sự hưởng ứng của hàng nghìn khán giả. Rồi các thiết kế trang phục nhân vật sử dụng trong phim cũng thành xu hướng thời trang của giới trẻ. “Mắt biếc” và các cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại được công chúng săn lùng.
Mối quan hệ cộng sinh giữa du lịch với văn học, nghệ thuật để cùng phát triển không phải là câu chuyện mới, mà đó chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa. Trước đây, các phim: “Người tình”, “Đông Dương”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Kong: Skull Island”… cũng tạo sự tăng trưởng du lịch ngoạn mục cho các địa phương có đoàn làm phim đến quay. Những cuốn sách được chuyển thể từ phim bỗng bán chạy trở lại, được tái bản liên tục…
Đến “Mắt biếc”, câu chuyện càng rõ ràng hơn và đặt ra những công thức chắc chắn thành công cho điện ảnh Việt Nam trong thời điểm này. Đó là sản xuất phim chuyển thể từ những tác phẩm văn học được nhiều người yêu thích, mến mộ. Có thể tiếp tục các truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, “Lá nằm trong lá”… hay khai thác những tác phẩm đậm văn hóa địa phương, như: “Sông” (Nguyễn Ngọc Tư), “Cửa hiệu giặt là” (Đỗ Bích Thúy)... Tiếp theo là chọn bối cảnh quay, góc quay thơ mộng, kích thích sự tò mò và mong muốn khám phá của khán giả. Bên cạnh đó, âm nhạc, phục trang được sáng tác, thiết kế hợp với thị hiếu công chúng đương đại. Và không thể thiếu là khâu quảng bá, giới thiệu cùng các hoạt động hậu bộ phim như thiết kế tour du lịch, biểu diễn âm nhạc, thời trang…
Đây cũng là một lối đi nhằm phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay.