Giá thịt lợn tiếp tục giảm ở trang trại và chợ dân sinh

Nông nghiệp - Ngày đăng : 12:44, 05/01/2020

(HNMO) - Theo Bộ NN&PTNT, trong tuần qua, giá lợn hơi ở các trang trại trên cả nước giảm hơn 10.000 đồng/kg xuống dưới 90.000 đồng/kg, có nơi còn 77.000-78.000 đồng/kg. Tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, giá dao động từ 78.000 đồng đến 81.000 đồng/kg; Hải Dương, Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Định 80.000-83.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, ngày 5-1-2020, giá thịt lợn hơi được thương lái thu mua khoảng 82.000-87.000 đồng/kg. Giá thịt lợn của các doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm. Công ty cổ phần CP Việt Nam giảm từ 83.000 đồng/kg xuống còn 82.000 đồng/kg thịt lợn. Điều này khiến nhiều hộ dân đẩy mạnh bán thịt lợn hơi ra thị trường, có nơi bị thương lái ép giá khiến giá tiếp tục giảm so với đầu tuần trước.

Cùng với việc giảm giá mạnh ở các trang trại, giá thịt lợn bán tại các chợ dân sinh cũng giảm theo. Ngày 5-1-2020, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số chợ ở các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông... cho thấy, giá thịt lợn giảm 10.000-20.000 đồng/kg. Theo đó, thịt ba chỉ có giá 150.000 đồng/kg; nạc vai 140.000 đồng/kg, sườn 160.000 đồng/kg… 

Bên cạnh đó, sức mua tại các chợ cũng giảm. Bà Nguyễn Thị Thịnh, một tiểu thương ở chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho hay: "Trước đây, khi giá lợn chưa tăng cao, trung bình, mỗi ngày tôi bán khoảng 1-1,5 tạ lợn, nhưng hiện nay bán rất chậm, chỉ được khoảng 40-50 kg/ngày. Nguyên nhân là do giá cao, nhiều hộ chuyển sang sử dụng thực phẩm khác (gà ta, thịt bò, thủy sản…), nếu cần thiết, họ chỉ mua vài lạng đến 1kg, không mua nhiều như trước kia".

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung thịt lợn như hiện nay, động thái tăng/giảm giá của những doanh nghiệp chăn nuôi lớn như: Công ty cổ phần CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco... đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường. Các hộ chăn nuôi nhỏ, nhất là thương lái, thường lấy giá của doanh nghiệp lớn làm giá để thu mua.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, về lâu dài, Chính phủ cần có kịch bản điều hành giá sát với thực tế hơn, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lớn găm hàng, thổi giá khiến người chăn nuôi nhỏ bị phá sản. Mặt khác, các hộ chăn nuôi cần liên kết với nhau, thành lập hợp tác xã sản xuất theo chuỗi cung cấp nguyên liệu, con giống, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để ổn định về giá...

Ngọc Quỳnh