Mở rộng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường
Công nghệ - Ngày đăng : 07:41, 06/01/2020
Thời gian qua, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố được các cơ quan chuyên môn liên tục đưa ra cảnh báo ở mức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Anh Nguyễn Đăng Văn (kỹ sư công nghệ thông tin ở đường 42, phường Bình Trưng Tây, quận 2) chia sẻ: "Những ngày cuối năm, vào buổi sáng sớm, cung đường đi làm từ quận 2 sang trung tâm thành phố thường xuyên có hiện tượng mù trời, che kín các tòa nhà cao tầng, tôi phải đeo khẩu trang để bảo đảm sức khỏe".
Trao đổi về thực trạng trên, Giám đốc Trung tâm Quan trắc (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) Cao Tung Sơn cho biết, đó có thể là hiện tượng mù quang hóa, bởi ô nhiễm từ hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng kết hợp với một số hình thái khí tượng đặc trưng từng mùa. Mức độ ô nhiễm cần được cập nhật thường xuyên để người dân biết và chủ động phòng tránh, còn cơ quan chức năng sẽ tìm hướng khắc phục hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Toàn Thắng, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc đo đạc kịp thời chất lượng không khí, do trạm quan trắc tự động phân bố ít. Cụ thể, thành phố đang tổ chức quan trắc không khí định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí quan trắc (19 vị trí giao thông, 3 vị trí môi trường nền, 4 vị trí ở khu dân cư, 4 vị trí ở khu công nghiệp). Phương pháp này mất rất nhiều thời gian vì phải trải qua quá trình lấy mẫu, phân tích mẫu.
Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 327 điểm đặt vị trí trạm quan trắc. Về trạm quan trắc tự động, đến cuối năm 2019, thành phố mới chỉ đưa vào vận hành 6 trạm đo chất lượng không khí, đất, nước, quan trắc lún... nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt kế hoạch triển khai và thực hiện "Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường đến năm 2020". Theo đó, thành phố triển khai đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động, di dộng. Thành phố cũng sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc không khí tự động liên tục sau năm 2020 đến trước năm 2030.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đề xuất đo chất lượng không khí 3 lần hằng ngày, với mốc thời gian: 7h30-8h30 (thời điểm người dân đi làm); 15h-16h (giao thông bình quân trong ngày) và 20h-21h (khi cho xe tải vào trung tâm thành phố và người dân tham gia các hoạt động vui chơi). Các thông tin này sẽ được đưa lên 48 bảng thông tin giao thông trên các tuyến đường và website của Sở Tài nguyên và Môi trường để mọi người cùng biết.
Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường quan trắc thông số bụi mịn PM 10 và PM 2.5 (trung bình 24 giờ) tại tất cả vị trí quan trắc. Thời gian triển khai kế hoạch này từ năm 2020 đến năm 2022. Những số liệu quan trắc môi trường này, một mặt được dùng để phân tích, đánh giá, giúp các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý hữu hiệu; mặt khác, cung cấp thông tin hằng ngày về chất lượng môi trường trên phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố để người dân chủ động phòng tránh.