Triển khai luật mới về giáo dục đại học
Giáo dục - Ngày đăng : 11:24, 06/01/2020
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Nguyên và Cần Thơ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, đặt tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Nghị định số 99/2019/NĐ-CP bao gồm 5 nội dung cơ bản: Hệ thống cơ sở giáo dục đại học; thủ tục thành lập hội đồng trường; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; hệ thống văn bằng giáo dục đại học.
Liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm giải trình, Nghị định quy định cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị các quy chế, quy định nội bộ; danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học còn phải công khai kết quả kiểm định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, đề án tuyển sinh, danh sách sinh viên nhập học và tốt nghiệp hằng năm; chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học…
Ý kiến đại diện của các cơ sở giáo dục tại các điểm cầu đều khẳng định: Việc nắm rõ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP là căn cứ để thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, thúc đẩy việc thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định, trong bối cảnh điểm xuất phát thấp, đầu tư còn hạn chế nhưng năm 2019, giáo dục đại học Việt Nam đã có sự cải thiện rõ nét trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới và khu vực. Cụ thể, giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68 trên 196 nước và vùng lãnh thổ, nâng 12 bậc so với năm 2018.
Để thực hiện hiệu quả việc tự chủ, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các đơn vị trong quá trình triển khai cần thống nhất nhận thức để triển khai tốt hơn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chủ quản sẽ tập trung vào quản lý nhà nước, không can dự sâu vào công tác điều hành của các trường bằng biện pháp hành chính. Các địa phương có trách nhiệm giám sát, kiểm tra trên địa bàn quản lý cơ sở giáo dục đại học và đặc biệt, phía cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm giải trình theo quy định.