Nâng cao hiệu quả quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ
Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 06/01/2020
Nói về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thời gian qua của cả nước, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị cho biết, cả nước có 14,45 triệu héc ta rừng và đã thiết lập 164 Ban Quản lý rừng đặc dụng, 231 Ban Quản lý rừng phòng hộ. Các ban quản lý đã giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình hơn 402.000ha và trồng rừng mới gần 11.000ha. Việc giao khoán này đã góp phần tăng thêm diện tích cũng như độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống trong vùng lõi, vùng đệm, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định từ nghề rừng.
Tại Hà Nội, theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, toàn thành phố có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng gần 27.160ha. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng hơn 10.964ha, rừng phòng hộ hơn 5.865ha... Hà Nội đã tổ chức giao khoán 6.400ha rừng phòng hộ, đặc dụng cho các chủ rừng với mức khoán bình quân hơn 900.000 đồng/ha. Chi cục thường xuyên tuần tra, kiểm tra những vùng trọng điểm hay xảy ra cháy rừng ở các vùng giáp ranh với Hà Nội như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình... tại các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh để kiểm soát nguồn lửa sử dụng trái phép tránh cháy lan vào rừng; đồng thời, tuyên truyền cho người dân về nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng, trồng rừng...
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, việc quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đó là xu hướng suy thoái đa dạng sinh học do nạn phá rừng bừa bãi, khai thác gỗ bất hợp pháp của một số cá nhân. Cùng với đó là tăng trưởng nóng về kinh tế, áp lực dân số và những khó khăn, hạn chế của nguồn lực; các cơ chế, chính sách quản lý, đầu tư bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học chưa đồng bộ và hầu hết sẽ hết hiệu lực vào năm 2020…
Để nâng cao công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Hữu Thế cho biết, Ban Quản lý rừng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể triển khai các chương trình, giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm…
Trên phạm vi toàn quốc, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tăng cường quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Bộ đề ra mục tiêu, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ từng bước tự chủ về tài chính thông qua tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Đến năm 2025 có 50% rừng đặc dụng, phòng hộ có hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí...
Cũng về vấn đề này, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội đã huy động nhiều nguồn lực bảo vệ, phát triển rừng, trong đó, tập trung ưu tiên sản xuất giống cây lâm nghiệp bảo đảm chất lượng nhằm nâng cao năng suất, giá trị trồng rừng theo hướng thâm canh gỗ lớn. Để hướng tới phát triển các dịch vụ môi trường rừng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3864/QĐ-UBND ngày 17-7-2019 về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Hà Nội nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng… Sở NN&PTNT tham mưu cho thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lâm nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất như: Phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng trồng, từng bước tự chủ về nguồn lực, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.