Nhân lên những "cú hích"
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 07/01/2020
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, khi tổ chức những chuyến bán hàng lưu động, dù vất vả hơn, lợi nhuận không cao, nhưng là dịp để quảng bá thương hiệu, là cơ sở tạo lập thị trường bán lẻ… Xa hơn, doanh nghiệp có thể nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người dân để có định hướng sản xuất, nâng cao thị phần...
Là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của ngành Công Thương Hà Nội trong dịp Tết này, chương trình phiên chợ Tết đã thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Thủ đô. Không những thế, chương trình còn có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khác. Riêng trong dịp Tết Canh Tý năm 2020, đã có 9 phiên chợ Việt được tổ chức với sự tham gia của 70-80 doanh nghiệp; 250 chuyến bán hàng lưu động, hội chợ hàng hóa nông sản… Tham gia chương trình, cái được trước mắt của doanh nghiệp không nhiều, nhưng đã thể hiện rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Những hoạt động thiết thực này đã góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao vị thế hàng Việt trong bối cảnh hàng hóa nước ta ngày càng chịu sự cạnh tranh lớn với hàng hóa nước ngoài. Song, dù là thị trường lớn và giàu tiềm năng, nhưng hiện tại chưa được cộng đồng doanh nghiệp khai thác hiệu quả. Để rồi, mỗi mùa Tết, những phiên chợ, những chuyến hàng được bán chóng vánh, các doanh nghiệp rút đi trong yên lặng, để lại khoảng trống mà chỉ khi có kỳ, cuộc mới được tái khởi động…
Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ yếu của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đây là chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế của nước ta để khẳng định sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Do đó, lấp đầy khoảng trống hàng tiêu dùng Việt ở khu vực ngoại thành là vấn đề rất cần được quan tâm.
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tổ chức các phiên chợ Tết, các điểm bán hàng lưu động. Do đó, những doanh nghiệp cung ứng hàng hóa và cơ quan chức năng phải loại bỏ hoàn toàn hiện tượng trà trộn bán hàng kém chất lượng. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh với thông tin rõ ràng về doanh nghiệp, danh mục sản phẩm, giá cả, địa điểm bán hàng…, để người dân rõ thông tin, thuận tiện trong mua hàng.
Thực tế những năm qua cho thấy, nhu cầu tiêu dùng của người dân tại khu vực này chủ yếu là nhu yếu phẩm thiết yếu trong gia đình… Vì thế, các doanh nghiệp cần chú trọng để sản phẩm có chất lượng ngày càng tốt hơn nhằm bồi đắp niềm tin trong lòng các “thượng đế”. Và để phục vụ thị trường tốt hơn, doanh nghiệp cần đầu tư thêm các điểm bán lẻ cố định; trước mắt, có thể tận dụng hệ thống chợ dân sinh hiện hữu cho công tác này.
Hiện nay, việc mở các phiên chợ Tết, bán hàng lưu động dịp Tết… là những cú “hích” tạo điểm nhấn để nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt. Song, về lâu dài, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để tạo mối liên kết bền vững, mở rộng thị trường. Do vậy, đề xuất của các doanh nghiệp về hỗ trợ thủ tục hành chính, địa điểm bán, giới thiệu hàng… là đề nghị rất đáng để các cấp, các ngành cùng có trách nhiệm hỗ trợ.
Chương trình phiên chợ Tết đang góp phần thúc đẩy việc tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân. Do đó, tạo lập thị trường hàng Việt ở khu vực ngoại thành theo chiều sâu sẽ lấp được khoảng trống và góp phần phát triển bền vững nền kinh tế như mục tiêu cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đặt ra.