Chuyển biến tích cực trong chấp hành quy định về nồng độ cồn
Đời sống - Ngày đăng : 19:04, 07/01/2020
Thay đổi nhận thức
Nghị định 100/2019/NĐ-CP triển khai được một tuần đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Có thể nói, đây là một văn bản pháp luật có ý nghĩa thiết thực và được người dân đặc biệt quan tâm.
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các nội dung tại Nghị định được đông đảo dư luận quan tâm và bản thân ông đã trả lời rất nhiều cơ quan báo chí và khách hàng về những vấn đề khá “nhạy cảm” liên quan đến văn bản pháp luật này, như: Ăn hoa quả khi bị kiểm tra cũng cho kết quả dương tính có bị xử lý hay không; không chấp hành mệnh lệnh của cảnh sát giao thông khi đo nồng độ cồn bị xử lý ra sao...
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, khi trao đổi những vấn đề nói trên với báo giới hay với người dân trên mạng xã hội, ông đều nhận được những tín hiệu tích cực, ủng hộ Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống. Hầu hết những người tham gia giao thông đều cảm thấy an toàn, an tâm hơn khi ra đường.
Anh Ngô Công Khánh (chủ quán bia K3, Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dù lượng tiêu thụ bia, rượu của quán có giảm, song anh cũng bày tỏ sự vui mừng khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống.
Theo anh Khánh, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống đã thay đổi nhận thức của nhiều người dân. Nhiều khách hàng thay vì đi phương tiện cá nhân đến quán đã chọn đi taxi, grap cho an toàn. Trong những câu chuyện bên bàn nhậu, chỗ nào cũng bàn tán về tinh thần Nghị định 100, đa phần người dân đều ủng hộ.
Ông Vũ Trọng Nghĩa (ở ngõ Phất Lộc, quận Hoàn Kiếm) là một trong những người dân đầu tiên bị kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại nút Hàng Cót - Hàng Đậu bày tỏ quan điểm, rất ủng hộ xử phạt thật nặng các trường hợp say rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông.
Còn ông Tưởng Văn Lâm (ở Ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa) bị phạt do khi đo nồng độ cồn đạt mức 0,237 miligram/lít khí thở, đã coi đây là bài học sâu sắc để quyết tâm từ chối những lời mời uống rượu của bạn bè...
Các diễn đàn trên mạng xã hội cũng có những bình luận sôi nổi khi nhắc đến Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Chị Trương Mai Phương (chuyên viên Bộ Tài chính) ủng hộ tinh thần phạt thật nặng đối tượng sử dụng bia, rượu để người thân không còn lý do nhậu nhẹt. Chị Phương cho biết, nhiều người vẫn thường xuyên chia sẻ những thông tin xử phạt mức tối đa các trường hợp vi phạm. Có người còn hài hước chia sẻ, mong sao người nhà bị một lần, nhận mức xử phạt cao như quy định mới để "một lần cho chừa".
Ai vi phạm cũng bị xử lý đúng pháp luật
Tối 6-1-2020, khi làm nhiệm vụ tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 1 xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Thượng úy Ngô Văn Tâm (Đội Cảnh sát giao thông số 1), cho biết tổ công tác đã từng xử lý 1 trường hợp có nồng cồn mức 1,5 miligram/lít khí thở. Trong các trường hợp vi phạm có cả nữ giới. Tất cả đều bị xử lý nghiêm.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội nêu rõ: "Nếu người điều khiển xe không giảm tốc độ, quay đầu hoặc cố tình né tránh lực lượng làm nhiệm vụ, chúng tôi sẽ ghi lại đặc điểm phương tiện, thông báo cho chốt liền kề, tổ chức dừng xe ở chốt khác. Phòng Cảnh sát giao thông còn có hệ thống camera, có thể phạt nguội đối với vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát. Tinh thần là ai vi phạm cũng sẽ bị xử lý đúng pháp luật".
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 6 ngày ra quân, toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ cồn là 2.673 trường hợp.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông đánh giá: "Đây là quyết tâm lớn của cảnh sát giao thông vì Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, song lực lượng cảnh sát giao thông đã nhanh chóng triển khai trên toàn quốc một cách thống nhất".
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng để thay đổi thói quen dùng bia, rượu của người dân, tiến tới một xã hội an toàn, văn minh thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và không thể trì hoãn. Lực lượng chức năng cần kết hợp với chính quyền địa phương hành động quyết liệt để đưa quy định của luật vào cuộc sống. Trước hết là định hướng cho người dân trong việc dùng bia, rượu hợp lý, lành mạnh, đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực.
"Nếu uống bia, rượu thì phải nhờ sự hỗ trợ, bảo đảm không vi phạm luật. Vì một xã hội văn minh và an toàn, rất cần sự thay đổi từ gốc, tức là thay đổi từ nhận thức của mỗi người, để loại bỏ thói quen xấu trong sử dụng rượu, bia", ông Liên khẳng định.