Góp ý hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 21:46, 07/01/2020
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nếu không nhìn nhận đầy đủ cả những kết quả đã đạt được cũng như những vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực khoa giáo, văn xã thì sẽ không xác định được phương hướng, động lực phấn đấu.
Góp ý về vấn đề an sinh xã hội, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong 30 năm đổi mới chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu giảm nghèo.
Các chính sách bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội phát triển khá đồng bộ, phù hợp với nhu cầu người dân và xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của các vấn đề xã hội. Nhiều địa phương quan tâm đến phát triển kinh tế, chưa tính toán đầy đủ tác động về môi trường, xã hội. Nhiều vấn đề xã hội chỉ được xem xét khi đã xảy ra và cũng chưa được giải quyết triệt để.
“Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, kinh tế dù tốt đến đâu cũng không giải quyết được vấn đề xã hội. Các thành tựu kinh tế sẽ không bền vững nếu các vấn đề xã hội không được giải quyết rốt ráo”, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh cho biết. Ông đề nghị cần có thêm những bộ chỉ số để “đo đếm” lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, mấy chục năm qua, lĩnh vực văn hóa - xã hội có những tiến bộ không thể phủ nhận. Văn hóa Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, hòa vào dòng chảy chung của văn hóa nhân loại. Hai mươi năm nay, chỉ số phát triển con người luôn tăng và luôn cao hơn chỉ số phát triển kinh tế.
Đồng tình với nhận định trên, song Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực xã hội đang đối mặt với sự tha hóa, xuống cấp đạo đức, đảo lộn các giá trị trong đời sống xã hội, đồng tiền chi phối. Nguy cơ giảm sút, mất niềm tin vẫn còn hiện hữu.
“Trong phát triển con người, hiện nay người Việt Nam ở vào hàng thấp bé nhất thế giới. Chúng ta phải thay đổi nhận thức từ chỗ chỉ chú trọng phát triển trí tuệ mà phải chú ý hơn nữa đến thể lực, tư duy, thẩm mỹ. Chúng ta cũng phải nhấn mạnh, đề cao tính gương mẫu trong các vấn đề văn hóa, đạo đức, xã hội”, ông Lương Đình Hải bày tỏ.
Kiến nghị vấn đề dân tộc cần có những chính sách dài hạn, thống nhất, không để “đứt đoạn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải lưu ý, phải đặc biệt coi trọng bảo tồn văn hóa, các giá trị bản sắc truyền thống của từng cộng đồng, dân tộc ngay từ nếp sống, sinh hoạt hằng ngày.
Về lĩnh vực khoa học - công nghệ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam bày tỏ tâm tư khi nhận thức về các lĩnh vực khoa học nói chung chưa được quan tâm đầy đủ, đúng như quan điểm “khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”.
Chính sách quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học vẫn theo nguyên tắc hành chính, chưa tin nhà khoa học, không chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có những chính sách kinh tế trực tiếp về thuế, tài chính, đất đai… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho khoa học, công nghệ. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Công mong muốn những hạn chế này sẽ được thay đổi trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Trong khi đó, ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) kiến nghị, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 cần xác định một số ngành khoa học Việt Nam có ưu thế ứng dụng trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đi cùng với đó là một số sản phẩm trọng điểm quốc gia; thúc đẩy, lan tỏa việc tiếp thu, ứng dụng công nghệ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học. Sau cuộc họp, Tổ biên tập sẽ xem xét, tiếp thu đầy đủ các ý kiến được trao đổi, nhất là cách tiếp cận mới, để tiếp tục hoàn thiện các nội dung về khoa giáo, văn hóa, xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, các dự thảo báo cáo phải đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lĩnh vực khoa giáo, văn hóa, xã hội; phải có các bộ chỉ số, thước đo định lượng được, làm cơ sở để đánh giá, nhìn nhận đúng về các vấn đề khoa giáo, văn hóa, xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh tính gương mẫu trước hết trong cán bộ, đảng viên, trong công sở, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, từ đó lan tỏa ra cộng đồng, xã hội.
“Giáo dục phải theo xu hướng quốc tế, có lộ trình phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Giáo dục đại học, viện nghiên cứu tự chủ mạnh mẽ hơn nữa thì mới thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Giáo dục phổ thông theo nguyên lý chung của thế giới, coi các trường học là thiết chế của cộng đồng, đổi mới quản lý, quản trị”, Phó Thủ tướng lưu ý.