Phòng, chống dịch bệnh: Giám sát chặt, tiêm chủng đầy đủ

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:55, 08/01/2020

(HNM) - Ngay những ngày đầu năm 2020, Bộ Y tế liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân từ Trung Quốc xâm nhập nước ta, đồng thời triển khai hệ thống giám sát tại các cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng. Trong khi đó, một số bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân, như: Sởi, cúm, tay chân miệng, ho gà, sốt xuất huyết… vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Nếu không quyết liệt phòng, chống, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng đầy đủ, nhiều bệnh dễ bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán.

Tiêm chủng đầy đủ là một trong những biện pháp phòng dịch bệnh đông - xuân hiệu quả. Trong ảnh: Tiêm chủng cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh). Ảnh: Phạm Hùng

Nguy cơ xâm nhập bệnh mới

Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 7-1-2020, từ 27 trường hợp mắc vi rút lạ gây viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân tại 1 chợ thủy sản ở trung tâm thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (vào ngày 31-12-2019), đã tăng lên 59 trường hợp (tính đến ngày 6-1-2020), trong đó còn 7 người rơi vào tình trạng nguy kịch. Trong khi, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi, như: Ebola, MERS-CoV… tiếp tục được ghi nhận tại một số quốc gia trên thế giới.  

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng cho biết, từ năm 2014 đến nay, Bộ Y tế đã và đang duy trì hoạt động giám sát chặt chẽ nhiều loại bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm và mới nổi, như: MERS-CoV, Ebola, SARS, cúm A/H7N9… Tính đến ngày 7-1-2020, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi trên thế giới, cũng chưa ghi nhận trường hợp có biểu hiện tương tự như bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán hiện nay, việc giao lưu, đi lại, thương mại giữa các nước ngày càng gia tăng, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ các dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua các cửa khẩu. Thêm vào đó, thời tiết lạnh ẩm của mùa đông - xuân tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường. Đây cũng là thời điểm các dịch bệnh lưu hành trong nước như sởi, ho gà, cúm, tay chân miệng… “đến hẹn lại lên”.

Tại khu vực miền Bắc, báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ghi nhận, từ ngày 28-12-2019 đến 3-1-2020, đã có 13 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Như vậy, tính cả năm 2019 đến nay, miền Bắc đã có 12.432 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 5.119 trường hợp dương tính với sởi, 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Hòa Bình. Riêng Hà Nội, từ ngày 28-12-2019 đến 7-1-2020 ghi nhận 2 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Trong năm 2019, thành phố cũng có hơn 2.900 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 1.765 trường hợp mắc sởi, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; tăng hơn 3 lần so với năm 2018.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, Khoa Nhi, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 nhận định, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém, đặc biệt những trẻ không được tiêm vắc xin phòng sởi. Sởi là bệnh lành tính nhưng có thể diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm, như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản… Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.

Cùng với sởi, thời tiết đông - xuân là điều kiện thuận lợi gia tăng, bùng phát dịch cúm. Hiện nay, các chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam chủ yếu là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Từ ngày 28-12-2019 đến 3-1-2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ghi nhận 6 trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, trong đó 3 trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H1N1, 1 trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H3N2, 2 trường hợp còn lại âm tính với vi rút cúm A/B. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh

Khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Hữu Tiệp

Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, qua phân tích dịch tễ bệnh nhân sởi năm 2019 theo tiền sử tiêm chủng cho thấy, trong số 1.765 trường hợp mắc sởi, có 490 trường hợp chưa đến tuổi tiêm chủng, 197 trường hợp đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, 861 trường hợp chưa được tiêm phòng và 217 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng. “Với những bệnh hiện đã có vắc xin phòng bệnh, gồm sởi, ho gà, cúm, viêm não Nhật Bản…, các bậc phụ huynh cần đưa con đi tiêm phòng đầy đủ. Việc tiêm vắc xin không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mỗi người, mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm lưu ý. Trong năm 2020, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở; tăng cường năng lực hệ thống phòng xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất công tác đáp ứng tại các đơn vị trong ngành.

Những ngày gần đây, để đối phó với bệnh viêm phổi lạ tại Trung Quốc và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, thành phố đã triển khai 5 máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh và quá cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhất là những hành khách đến từ vùng đang lưu hành dịch bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc. Ngày 7-1-2020, Cục Y tế dự phòng lần thứ 2 trong năm nay có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, chủ động rà soát kế hoạch đáp ứng các tình huống dịch bệnh, sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực... Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh trong kỳ nghỉ Tết bằng cách giữ ấm cơ thể; khi có các dấu hiệu sốt, ho, đau ngực, khó thở và bất cứ các triệu chứng bất thường về sức khỏe, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.      

Thu Trang