Công tác dân vận là gần dân, lo cho dân, cùng chia sẻ với nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 09:34, 09/01/2020

(HNMO) - Sáng 9-1-2020, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ, Trương Thị Mai - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đồng chí Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tham dự hội nghị tại 63 điểm cầu trên toàn quốc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là lãnh đạo các tỉnh, thành ủy; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị ủy thành phố.

Giải quyết kịp thời nguyện vọng của nhân dân

Theo báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, năm 2019, các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương thức, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác dân vận. Các cấp ủy Đảng tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong quan hệ với nhân dân.

Các cơ quan nhà nước quan tâm, hoàn thiện pháp luật, giải quyết lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện các nội dung của “Năm dân vận chính quyền” 2019; quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại, cải thiện và nâng cao cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, các cơ quan cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, đẩy mạnh đối thoại, tập trung giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài.

Năm 2019, có 478.237 lượt công dân đến cơ quan hành chính khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với 304.209 vụ việc, 4.611 lượt đoàn đông người. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng đã tiếp 20.233 lượt công dân (tăng 19,6%) với 3.992 vụ việc, 530 lượt đoàn đông người. Các địa phương đã tiếp 400.097 lượt công dân, với 246.275 vụ việc, giảm 1,9% số lượt đoàn đông người… Các cơ quan hành chính nhà nước cũng đã giải quyết 28.428 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 86,2%...

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng cũng đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, vai trò đại diện cho quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, phát triển tổ chức; thực hiện vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân; động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn.

Ban Dân vận các cấp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, đánh giá hệ thống chính trị thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác dân vận; phối hợp với cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh công tác dân vận trong tình hình mới.

Những kết quả tích cực trên đã góp phần tạo đồng thuận xã hội, động viên nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Tham luận tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, đến nay có 53/63 tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; 52/63 tỉnh, thành phố ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng cho biết, năm qua, Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quân đội gắn công tác dân vận với nhiệm vụ chính trị của toàn quân và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Trong đó, quân đội đã tổ chức 20 vạn lượt chiến sĩ dã ngoại kết hợp với xây dựng nông thôn mới; huy động 13 vạn lượt dân quân tự vệ tham gia cứu hộ, cứu nạn, xử lý ô nhiễm môi trường…

Đại diện các tỉnh: Bến Tre, Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng cũng chia sẻ kết quả đạt được trong việc thực hiện năm “Dân vận chính quyền” 2019 và kinh nghiệm triển khai công tác dân vận tại các địa phương.

Quang cảnh hội nghị.  Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Công tác dân vận phải hướng về người dân, lo cho dân

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai công tác dân vận và “Năm dân vận chính quyền” 2019.

Thủ tướng đánh giá: “Mỗi ngành một vẻ, mỗi địa phương một cách làm, nói lên sự xắn tay áo cùng với các cơ quan của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Trung ương để làm nên một “Năm dân vận chính quyền” đầy màu sắc, rất thành công”.

Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là trên đường phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, số cuộc khiếu kiện đông người của người dân đã giảm xuống đáng kể so với thời điểm cách đây 2 năm khi phát động “Năm dân vận chính quyền”. Thanh tra Chính phủ có báo cáo, hiện Hà Nội chỉ còn 70 hộ khiếu kiện, cho thấy vai trò quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Cho nên, có thể nói công tác dân vận không chỉ là phương pháp công tác mà là tình cảm cách mạng, là trách nhiệm lớn lao của mọi cấp, mọi ngành, của cán bộ, đảng viên. Công tác dân vận là từ tấm lòng, gần dân, lo cho dân, cùng chia sẻ với nhân dân”, Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chỉ rõ những hạn chế yếu kém còn tồn tại trong triển khai công tác dân vận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong năm 2020, công tác dân vận phải bám sát nghị quyết của Chính phủ và chính quyền các cấp phải hướng về người dân, lo cho dân, phải bám dân, xử lý đúng đắn mối quan hệ máu thịt giữa người dân và cơ quan Nhà nước. Riêng với hệ thống lãnh đạo từ cấp xã, phường đến cấp trung ương, dân vận phải bằng thuyết phục và nêu gương đi liền với thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần không được để điểm nóng gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội… “Muốn vậy, người lãnh đạo cũng phải tự mình điều chỉnh phương pháp lãnh đạo cho phù hợp, trước hết lãnh đạo bằng thuyết phục và nêu gương”, Thủ tướng yêu cầu.

Các đại biểu chụp ảnh tại hội nghị.  Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, công tác dân vận không phải chỉ là việc của Ban Dân vận mà là của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị.

Nhấn mạnh những việc làm tốt công tác dân vận trên không gian mạng, Thủ tướng cũng lưu ý, dân vận không chỉ là vận động nhân dân làm theo mà phải nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hành động vì lợi ích của nhân dân, chăm lo sức khỏe tinh thần và vật chất cho người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, làm tốt công tác dân vận nhưng phải giữ vững phép nước và dân chủ tốt nhưng phải giữ vững kỷ cương; phải thông qua công tác dân vận để người dân hiểu, ủng hộ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, cán bộ làm công tác dân vận trong năm 2020 cần tích cực đổi mới công tác dân vận, nỗ lực hướng về cơ sở với phương châm hành động vì nhân dân và có được sự ủng hộ của nhân dân. Bởi đây chính là phương hướng hiệu quả nhất để cùng cố niềm tin trong nhân dân.

Hương Ly