Hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng "Việt Nam hùng cường" thành hiện thực

Chính trị - Ngày đăng : 21:22, 09/01/2020

Chiều 9-1-2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai các Nghị quyết số 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ với chủ đề: “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng “Việt Nam hùng cường” thành hiện thực. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm qua, Bộ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ Chính phủ giao, như dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước; dự thảo Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019; đề xuất kịch bản tăng trưởng năm, các báo cáo vĩ mô hằng quý và hằng tháng, để Thủ tướng và Chính phủ có các quyết sách kịp thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định vĩ mô. Bộ cũng đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.

Cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), ngay từ năm ngoái, công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ Trung ương cho các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 100%. Như vậy, đến nay, Bộ cơ bản giải quyết được vấn đề giao vốn chậm, giao nhiều lần như trước đây.  

Năm qua, Bộ đã ưu tiên đẩy mạnh xây dựng các thể chế pháp luật để góp phần có thêm 138 nghìn doanh nghiệp mới, đưa số doanh nghiệp cả nước lên gần 800 nghìn. Trên 2.000 hợp tác xã được thành lập mới, đưa tổng số hợp tác xã trong cả nước lên trên 24 nghìn.

Năm 2019 đánh dấu môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và năng lực cạnh tranh quốc gia thăng hạng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 38 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó trên 20 tỷ USD đã được giải ngân.

Tại hội nghị, điểm lại những thành tựu quan trọng của đất nước năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều đóng góp quan trọng với tư duy đổi mới, sáng tạo, sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần tích cực hành động của Chính phủ được Bộ thực hiện và lan tỏa tốt, nhất là ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng như: Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021-2030), Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã tập trung xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua, tạo bước đột phá trong thực hiện đầu tư công.  

Song, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những tồn tại ngành cần tháo gỡ, trong đó còn có vướng mắc về thể chế vốn đầu tư công, khiến việc tổ chức thực hiện, giải ngân vốn còn thấp. Cụ thể như, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công còn bất cập, giao vốn nhiều lần khiến thời gian giao vốn kéo dài. Công tác quản lý đấu thầu dự án đầu tư công còn bất cập, có dấu hiệu tham nhũng, thông đồng, đấu thầu kém công khai, hủy thầu vô căn cứ ở một số bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... chưa theo kịp yêu cầu thực tế và triển khai còn chậm.  

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Bên cạnh đó, công tác triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính. Nêu một số bất cập về doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ và Tổng cục Thống kê gấp rút ban hành Sách trắng về doanh nghiệp ngay trong quý I năm nay. Thủ tướng lưu ý, Bộ và các sở kế hoạch và đầu tư vẫn còn tình trạng xin - cho ở một số cục, vụ, khiến các địa phương, doanh nghiệp kêu ca. Với tinh thần “Khơi thông nguồn lực - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng “Việt Nam hùng cường” thành hiện thực. 

Cùng với đó, các địa phương, bộ, ngành hưởng ứng khát vọng "Việt Nam hùng cường" đưa vào cuộc sống. Trong bối cảnh những ngày gần đây, thế giới tiếp tục diễn biến bất ổn, khó lường, nhưng đây cũng là cơ hội bởi Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội. 

“Chúng ta phải giữ cho được ổn định chính trị xã hội. Vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút các dòng vốn đầu tư có chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị?”, Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành phải thu hút mạnh mẽ những tập đoàn công nghệ lớn, các tập đoàn công nghệ mới và những tiến bộ công nghệ mới vào Việt Nam.

Trước cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển có thể theo kịp các nước giàu, nhưng đi kèm theo nhiều thách thức, Thủ tướng đặt vấn đề với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Việt Nam đang có những lợi thế trong cuộc đua về kinh tế số, nên cần khuyến nghị chính sách để các địa phương coi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số là nền tảng và động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và bền vững.   

Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ một số nút thắt ngay trong năm 2020, trong đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, công khai minh bạch, giao quyền nhiều hơn cho chủ tịch UBND tỉnh, bộ trưởng. Bộ chỉ làm công tác tổng hợp, chính sách pháp luật, kiểm tra, đôn đốc những chủ trương lớn đã đề ra. 

Trước nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam còn rất lớn nếu để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm, ban hành chính sách sai, Thủ tướng yêu cầu Bộ cần tham mưu để tháo gỡ các vấn đề này.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu khắc phục một số nút thắt khác như các vấn đề văn hóa, xã hội nổi lên, có thể gây kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vấn đề già hóa dân số... 

Để thực hiện mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải tạo thuận lợi hơn nữa để có doanh nghiệp mới, tạo điều kiện phát triển nhiều doanh nghiệp lớn với thương hiệu lớn có sức cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vượt con số 38 tỷ USD của năm 2019.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò như nhà toán học, cần xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành.

Nhấn mạnh năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, Thủ tướng yêu cầu, “không được lơ là, tự mãn, chủ quan, thiếu quyết liệt trong năm 2020”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hiến kế để kinh tế Việt Nam sớm về đích; làm sao để tạo bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, ngành và địa phương, để nhanh chóng đưa các Nghị quyết số 01, 02 và các Nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020. 

Thực tế là năm qua, Việt Nam cải thiện 10 bậc năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo xếp hạng của WEF), nhưng lại tụt một bậc xếp hạng về môi trường kinh doanh (theo WB). Trước đây Việt Nam đặt mục tiêu đứng vào top 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới các chuẩn mực OECD. Tuy nhiên, từ thực tế vừa nêu, theo Thủ tướng, việc cải thiện thứ hạng so với các nước là rất thách thức. Đây là vấn đề Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất chính sách đột phá để giải quyết thách thức này.

Theo QV (TTXVN)