Góp sức vì Thủ đô bình yên
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 10/01/2020
Đặc biệt, về tai nạn giao thông, so với năm 2018 đã giảm 92 vụ (6,7%), giảm 36 người chết (6,6%), giảm 69 người bị thương (7,5%). Tuy nhiên, với đặc thù riêng của một đô thị đông dân cư, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn những diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác, góp sức của nhiều ngành, nhiều cấp và mỗi người dân mới có thể giải quyết hiệu quả.
Theo đó, nổi lên là lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng (trung bình tăng 9,2% về ô tô và 4% về xe máy), trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm, nhất là trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết. Cùng với đó, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế. Tình trạng người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm; uống rượu, bia khi lái xe; xe du lịch trá hình chạy tuyến cố định; xe khách chạy không đúng tuyến; người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; xe ôtô dừng, đỗ sai quy định… vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường phố.
Trên cơ sở kết quả của năm 2019, thành phố đã đặt mục tiêu trong năm 2020 giảm 5-10% vụ tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; giảm 8-10 điểm ùn tắc giao thông. Có thể thấy, đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng như sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, được coi là thời điểm “nóng” của ùn tắc và tai nạn giao thông.
Một trong những giải pháp quan trọng là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân hiểu và chia sẻ, cùng tham gia bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc. Qua đó giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành luật, không dừng, đỗ xe trái quy định; đi lấn làn đường hay không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chở hàng hóa cồng kềnh gây mất mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông khác...
Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đồng thời xây dựng phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính và cửa ngõ ra vào thành phố. Mỗi cán bộ, chiến sĩ khi thực thi công vụ, phải trung thực, khách quan, công minh, là tấm gương để nhân dân noi theo và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức xã hội hóa, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, cũng cần ưu tiên bố trí đủ vốn, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án cấp bách, có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vì Thủ đô bình yên. Do vậy, các ngành, các cấp cũng như mỗi người dân phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm chung để tập trung thực hiện hiệu quả ngay từ đầu năm 2020.