Bế mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 16:57, 10/01/2020
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, sau một ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 41. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đồng thời hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để ký ban hành.
“Đối với các tỉnh, thành phố chưa sắp xếp, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chậm nhất tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2-2020”, đồng chí Uông Chu Lưu nói.
Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với các đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính của 18 tỉnh do Chính phủ trình. Theo đó, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 12 đơn vị, sau sắp xếp giảm được 4 đơn vị; cấp xã thực hiện sắp xếp là 223 đơn vị, sau khi sắp xếp giảm được 109 đơn vị. Ngoài ra, trong đợt này, Chính phủ đề nghị thành lập mới 43 đơn vị hành chính ở đô thị, gồm 3 thành phố thuộc tỉnh, 3 thị xã, 27 phường và 10 thị trấn.
Bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng nhiều đơn vị hành chính cấp xã có khác biệt về lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý nên việc sáp nhập có thể gây nên sự khiên cưỡng. “Bên cạnh đó, nếu nhân dân chưa đồng thuận thì cũng chưa nên thực hiện sắp xếp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng đề xuất, việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại 18 tỉnh, thành phố là vấn đề lớn nên cần thận trọng bởi chưa thể đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính tác động như thế nào đến cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, phải tính đến việc phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính đó ra sao sau khi sáp nhập.
Đối với đề xuất giải thể 3 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần đưa vấn đề này trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là lần thứ tư sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ đồng tình với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, tuy nhiên có ý kiến còn băn khoăn về vấn đề giải thể toàn bộ 3 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và vấn đề sáp nhập 6 huyện của tỉnh Cao Bằng. Phó Chủ tịch Quốc hội quyết định Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ biểu quyết về việc sáp nhập huyện Thông Nông và huyện Hà Quảng của tỉnh Cao Bằng, 4 huyện còn lại sẽ tiếp tục xem xét trong phiên họp sau.
Thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, 100% số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp đã biểu quyết tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.