Nhận diện chiêu trò bán hàng kiểu "móc túi"

Xã hội - Ngày đăng : 08:42, 11/01/2020

(HNM) - Tổ chức hội thảo, tặng quà khuyến mãi tại các tổ dân phố, nhà văn hóa thôn rồi bán hàng "giá trên trời" là những chiêu trò bán hàng kiểu "móc túi" người tiêu dùng. Mô thức này diễn ra khá rầm rộ nhiều năm gần đây trên địa bàn Hà Nội với hình thức "cuốn chiếu" từ quận này sang huyện khác nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể hay xử lý đối tượng nào...

Vô tình tiếp tay

Ngày 16-11-2019, Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam tiếp tục hành vi bán hàng kém chất lượng tại Nhà văn hóa tổ 8 phường Gia Thụy (quận Long Biên) bằng chiêu tặng máy lọc nước R.O. Theo ông Bùi Văn Hiến, một người dân ở tổ 8, cách thức tặng quà, bán hàng của công ty này tương tự nội dung trong bài viết "Núp bóng tặng quà để bán hàng kém chất lượng" đăng trên Báo Hànộimới ngày 14-11-2019. Vì vậy, người dân đã phản đối kịch liệt và bỏ về. "Không lừa được người dân, đại diện công ty đã nói những lời thô lỗ, xúc phạm khách mời" - ông Hiến bất bình.

Trước đó, như phản ánh của Báo Hànộimới, tối 18-10-2019, Công ty Ishiba bán hàng chất lượng kém, giá cao cho hơn 80 người dân tổ dân phố Nguyên Xá 2, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) rồi "lặn mất tăm". Được biết, công ty này đã bán rất nhiều sản phẩm ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) đầu tháng 9-2019.

Không chỉ bán hàng, nhiều công ty khác cũng có những chiêu trò rất tinh vi. Ngày 27-10-2019, hơn 2.000 người dân đến nhà văn hóa thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) để nhận quà tặng nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày hội "Đoàn kết dân tộc" do địa phương tổ chức là đồng hồ treo tường và thiệp mừng theo giấy mời của Công ty TNHH Đất Việt - Công ty TNHH Hoàng Long và Công ty Nhật Minh. Tuy nhiên, nếu muốn nhận quà, người dân phải chụp ảnh in vào thiệp mừng, rồi lồng vào khung kính của công ty với số tiền 200.000 đồng. Trước đó, tháng 9-2018, các cựu chiến binh phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) cũng bị "móc túi" khi đến nhận quà tri ân kỷ niệm 30 năm "Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh" với việc phóng ảnh cỡ 40x60cm với giá 1,2 triệu đồng (giá thị trường là 300.000 đồng) của Công ty TNHH Đất Việt.

Theo nguyên tắc, trước khi đồng ý cho một đơn vị giới thiệu sản phẩm, chính quyền địa phương phải yêu cầu xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm... Tuy nhiên, việc này lại được làm rất qua loa. Cụ thể, đại diện UBND phường Minh Khai thừa nhận, Công ty Ishiba không có tài liệu, giấy tờ gì chứng minh. Còn ông Đặng Việt Phương, Chủ tịch UBND phường Gia Thụy cho biết, tài liệu duy nhất là xác nhận viết tay của lãnh đạo phường cho phép Công ty Ishiba lắp đặt 2 máy lọc nước R.O cho UBND phường và đây chính là "công cụ" để công ty này lừa người dân.

Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, một số hoạt động được chính quyền địa phương vô tình tiếp tay thông qua việc cho phép và gửi giấy mời đến người dân... nên khi các đối tượng tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: Tặng quà, hoàn tiền hay mua một tặng một... đã khiến người dân bị "sập bẫy". Sau khi sử dụng sản phẩm, nhiều người phát hiện bao bì dán nhãn hãng này nhưng sản phẩm của hãng khác. Với thủ đoạn "treo đầu dê, bán thịt chó" này, nhiều đối tượng đã dễ dàng trục lợi...

Người tiêu dùng phải được bảo vệ

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, người dân được quyền tự do mua bán hàng hóa, ngoại trừ các mặt hàng cấm nên khó có thể xử lý hình sự các đối tượng này. Chính vì thế, chính quyền địa phương nên theo dõi, giám sát các đợt giới thiệu sản phẩm trên địa bàn để kịp thời xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Về trách nhiệm của chính quyền sở tại, ông Đặng Việt Phương, Chủ tịch UBND phường Gia Thụy khẳng định, việc công ty xin phép một đằng, làm một nẻo là sai. UBND phường nghiêm túc rút kinh nghiệm và đã chỉ đạo các tổ trưởng tổ dân phố khi tổ chức hoạt động tại nhà văn hóa tổ dân phố phải có sự đồng ý của lãnh đạo phường. Ông Dương Đình Tình, Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên cũng cho biết, UBND quận đã yêu cầu UBND các phường nhắc nhở các tổ chức, đoàn thể phải kiểm tra tư cách pháp nhân đơn vị đến tặng quà, giới thiệu sản phẩm ở địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Ngọc Mỹ báo cáo giải trình và nhắc nhở rút kinh nghiệm. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn quán triệt, chỉ đạo không để xảy ra hiện tượng núp bóng giới thiệu sản phẩm để bán hàng.

Về trách nhiệm quản lý thị trường, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu quan điểm, Cục luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân tố giác ngay để lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng hóa, ngăn chặn lừa đảo. "Người dân khi mua sắm các sản phẩm phải kiểm tra giấy bảo hành, tem chống hàng giả, nguồn gốc xuất xứ..." - ông Nguyễn Đắc Lộc khuyến cáo. Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Bình cũng đề nghị người dân cảnh giác, nếu có hiện tượng lừa đảo thì báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

"Tấm vé thông hành" mà các công ty dùng để lừa bịp người dân chính là xác nhận hay giấy mời đến dự hội thảo, hội nghị của chính quyền sở tại. Dù đã thay đổi phương thức, địa điểm hoạt động hòng che mắt người dân và cơ quan chức năng nhưng thực chất vẫn là "bình mới rượu cũ". Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần sàng lọc và bao quát thông tin hơn, đặc biệt, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ pháp nhân, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và luôn giám sát trong quá trình các công ty "hội thảo, hội nghị" để giúp người dân tránh rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Kim Vũ