Hướng tới đồng bộ, chuyên nghiệp
Du lịch - Ngày đăng : 09:05, 13/01/2020
Đổi thay tại những điểm đến
Anh Henry Cavill, một du khách Hà Lan lần đầu đến Hà Nội đã vô cùng thích thú khi có thể tự khám phá di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông qua dịch vụ audio guide (thuyết minh tự động). “Nội dung thuyết minh được cài đặt rất chi tiết, dễ hiểu, dễ sử dụng. Không cần hướng dẫn viên, tôi có thể chủ động khám phá Văn Miếu theo cách mình muốn”, anh H.Cavill cho biết.
Thực hiện Đề án Du lịch thông minh của UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2018, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa hệ thống thuyết minh tự động với 8 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc) triển khai tại 14 điểm trong di tích. Đây cũng là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ” trên website của mình. Khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ cần mở website vanmieu.gov.vn, vào mục “Tham quan 360 độ” là có thể tìm hiểu mọi thông tin ở các điểm của di tích.
Hiện nay, không chỉ riêng di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà tại nhiều di tích khác trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu triển khai du lịch thông minh. Trong đó, di tích Hoàng thành Thăng Long đã sử dụng ứng dụng (app) riêng về Hoàng thành để du khách có thể cài đặt vào điện thoại thông minh, giúp hỗ trợ thuyết minh 5 thứ tiếng. Tháng 10-2019, cùng thời điểm được đón nhận là Điểm du lịch Hà Nội, làng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ, như: Cổng thông tin điện tử du lịch battrangtour.net, ứng dụng Du lịch Bát Tràng trên điện thoại di động, thiết bị audio guide…
Ngoài ra, UBND xã Bát Tràng còn đưa vào sử dụng xe đạp thông minh có gắn các thiết bị hướng dẫn hành trình, thuyết minh tự động. “Khách quốc tế rất thích dịch vụ xe đạp thông minh. Họ có thể trải nghiệm các địa điểm của Bát Tràng một cách dễ dàng. Chúng tôi dự tính đẩy mạnh dịch vụ này trong năm 2020”, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin.
Triển khai theo hướng đồng bộ hơn
Đề án Du lịch thông minh do UBND thành phố Hà Nội chủ trì, đơn vị thực hiện là Tập đoàn VNPT được triển khai từ năm 2017 đến năm 2020 và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến năm 2018; giai đoạn 2 từ năm 2019 đến năm 2020.
Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường, Tập đoàn VNPT - Hà Nội Nguyễn Việt Hồng cho biết, năm 2018, VNPT Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội hoàn thành đưa vào sử dụng 2 nội dung, gồm hệ thống quản lý dữ liệu Sở Du lịch Hà Nội và Cổng thông tin du lịch Hà Nội (Sodulich.hanoi.gov.vn). Ngoài ra, VNPT Hà Nội cũng hỗ trợ các di tích một số thiết bị công nghệ, như tra cứu thông tin điện tử… Trong năm 2019, VNPT Hà Nội đã lắp đặt hệ thống wifi công cộng giai đoạn 1 tại 11 khu vực với 200 điểm, 200 trạm phát.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, sau khi hệ thống wifi miễn phí lắp đặt xong, đã có khoảng 8,2 triệu lượt truy cập, trung bình mỗi tháng có khoảng 400.000-500.000 lượt truy cập, tạo dấu ấn cho việc phát triển du lịch Thủ đô. Trong năm 2020, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện Bản đồ du lịch Hà Nội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án Du lịch thông minh vẫn còn một số hạn chế như hệ thống wifi thiếu ổn định, một số điểm di tích ở khu vực ngoại thành chưa thu hút được nguồn đầu tư xã hội hóa để đưa các thiết bị công nghệ vào hoạt động du lịch.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang chia sẻ, nhiều du khách gặp khó khăn khi sử dụng hệ thống wifi công cộng nên khó truy cập vào website du lịch của trung tâm và của thành phố Hà Nội khi tìm hiểu thông tin. Còn Phó Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An bày tỏ, việc sử dụng ứng dụng du lịch tại di tích này vẫn “phập phù” do lượng khách đến tham quan không ổn định; việc lắp đặt wifi miễn phí mới ở giai đoạn thí điểm, du khách gần như chưa sử dụng được.
Hà Nội được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng khi sở hữu hơn 5.900 di tích; 1.350 làng nghề. Việc triển khai Đề án Du lịch thông minh được xem là một trong những chiến lược để du lịch Hà Nội phát triển bền vững.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, những hạn chế khi thực hiện Đề án Du lịch thông minh sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Đề án này đồng bộ hơn, như tiếp tục đưa ứng dụng điện thoại tại nhiều điểm du lịch trọng điểm; lắp đặt hệ thống wifi công cộng tại 30 khu vực, bao gồm cả bệnh viện lớn, nhà chờ xe buýt BRT. Năm nay, Sở Du lịch Hà Nội dự kiến triển khai hệ thống tra cứu điện tử; tiếp tục đưa ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh du lịch.