Ngành Y tế với kỳ vọng vươn tầm thế giới
Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 13/01/2020
Bài đầu: Chinh phục nhiều kỹ thuật đỉnh cao
Năm 2019 khép lại cũng là một năm chứng kiến nhiều kỳ tích của ngành Y tế nước nhà. Việc chinh phục nhiều kỹ thuật đỉnh cao không chỉ giúp người bệnh được tái sinh, mà còn minh chứng với thế giới về trình độ của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam không hề thua kém các quốc gia khác.
Thế giới làm được, chúng ta cũng làm được...
Lấy chồng hơn 10 năm, nhưng với chị Phan Thị M. (sinh năm 1984 ở tỉnh Bắc Ninh), Tết năm nay chị mới có được hạnh phúc trọn vẹn, khi đón hai công chúa nhỏ chào đời vào tháng 8-2019. Vừa chăm hai con thơ tròn 5 tháng tuổi, chị M. vừa kể cho chúng tôi về hành trình gần 10 năm “vái lạy tứ phương” để mong có được một mụn con. Chị M cho biết, cứ ở đâu có thuốc hay thầy giỏi, vợ chồng chị đều tìm đến. Hết thuốc Nam, thuốc Bắc, rồi làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và chuyển phôi tới 4 lần tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nhưng đều không thành công. Thế rồi, chị M. được nhiều người quen giới thiệu đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội) và may mắn thành công ngay lần đầu chuyển phôi tại đây…
Trên trang mạng xã hội Facebook của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, hình ảnh những cháu bé kháu khỉnh được các bố, mẹ gửi đến bác sĩ, hay những lời cảm ơn, lời chúc năm mới, gửi gắm niềm tin chính là động lực để những bác sĩ nỗ lực mỗi ngày. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Tăng Đức Cương, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cho biết, thời gian qua, trung tâm không ngừng áp dụng những kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công trong việc điều trị vô sinh, hiện thực hóa ước mơ làm cha, làm mẹ của rất nhiều cặp vợ chồng. Trung tâm mỗi ngày khám và tư vấn cho khoảng 200 ca, trong đó có các ca khó, như: Vô sinh hiếm muộn lâu năm, tuổi cao, có các bệnh lý kèm theo, đó là nam giới không có tinh trùng, tinh trùng bất động, nữ có tử cung dị dạng, suy buồng trứng, bệnh lý tiền mãn kinh, mãn dục…
Không chỉ vậy, các bác sĩ còn thành công trong việc chữa bệnh cho thai nhi từ trong bụng mẹ. Hơn nửa tháng sau khi sinh hai cô công chúa nhỏ, chị Vương Thị L. (sinh năm 1992, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn không giấu được sự vui mừng. Đối với chị, việc được “mẹ tròn con vuông” chẳng khác nào một giấc mơ. Quá trình theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ phát hiện chị L. mắc hội chứng truyền máu song thai ở tuần 20 của thai kỳ. Chị L. kể: "Tôi mang thai đến tuần 23, một thai bị hết ối, bó sát vào cơ thể như bị hút chân không, khiến cháu bé không thể thở, trong khi thai kia lại dư ối, khiến cháu bé bồng bềnh trong nước".
Nhận thấy tình trạng nguy cấp, sau khi hội chẩn, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã quyết định thực hiện kỹ thuật can thiệp trong buồng ối và cuối cùng, ca can thiệp đã thành công. Đến tuần thai 33, chị L. chuyển dạ và sinh thường hai bé gái. Hiện tại, sức khỏe hai bé và mẹ đều tiến triển tốt.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở y tế công lập đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai, với tỷ lệ thành công ngang tầm thế giới. Trong 15 trường hợp được áp dụng kỹ thuật này, hiện có 2 trường hợp đã sinh con khỏe mạnh. PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định: "Quan điểm của bệnh viện là thế giới làm được gì, thì chúng ta không có lý do gì không làm được. Bởi cùng với máy móc, trang thiết bị hiện đại thì đội ngũ bác sĩ cũng rất khéo léo, thông minh, có kỹ thuật, tay nghề, vì vậy hoàn toàn có thể triển khai được những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới để mang lại sự sống, sức khỏe cho người bệnh".
Bệnh nhân, bác sĩ ngoại tìm đến Việt Nam
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhờ cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, chất lượng khám và điều trị bệnh không thua kém các nước trong khu vực, cộng với chi phí thấp hơn là lý do khiến ngày càng có nhiều bệnh nhân nước ngoài tìm đến Việt Nam. Kết quả khảo sát nhanh của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thực hiện tháng 8-2019 tại 329 bệnh viện cho thấy, lượng người nước ngoài vào Việt Nam khám, chữa bệnh tăng cao. Cụ thể, trong 6 tháng của năm 2019, có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 lượt người nước ngoài điều trị nội trú tại bệnh viện các tuyến.
Có mặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, chứng kiến không khí hối hả chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân của các bác sĩ nơi đây mới thấy, Tết dường như dừng lại ngoài cánh cửa phòng cấp cứu. PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức chia sẻ, tháng 12-2019, lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca ghép đồng thời cả gan và thận cho bệnh nhân M.S. (59 tuổi, quốc tịch Lào) từ một người cho chết não. Ở nhiều nước, muốn đặt cùng lúc hai tạng vào cơ thể, kíp mổ phải mở đường mổ rất rộng, từ xương ức đến xương mu. Thế nhưng, tại Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức, các bác sĩ thực hiện đường mổ nhỏ, tránh được cho bệnh nhân tổn thương quá lớn. Sau 12 tiếng phẫu thuật, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ca ghép đã thành công.
Trước đó, Bệnh viện Phổi trung ương cũng đã tiến hành phẫu thuật nội soi màng phổi - một kỹ thuật khó và tiên tiến nhất hiện nay để can thiệp thành công cho cụ ông H.Đ.N. (90 tuổi sinh sống tại Cộng hòa Czech) bị tràn dịch màng phổi trái. Kết quả, chỉ một ngày sau phẫu thuật, cụ N. đã có thể đi lại, nói chuyện, ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Không chỉ vậy, thời gian qua đã có rất nhiều bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam để học các kỹ thuật mới. Bác sĩ Hassan, Giám đốc chuyên môn, chuyên viên tư vấn ngoại khoa của Bệnh viện Prince Mishari (Ả rập Xê út) đã đến Việt Nam học kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp - kỹ thuật phẫu thuật qua đường nách và ngực do PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương phát minh. Bác sĩ Hassan bất ngờ về trình độ chuyên môn, cũng như trang thiết bị hiện đại của y tế Việt Nam… Ngoài ra cũng có rất nhiều bác sĩ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ... đã “khăn gói” đến Bệnh viện Nhi trung ương để học phương pháp mổ nội soi nang ống mật chủ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, hiện có khoảng hơn 4 triệu người Việt Nam và người gốc Việt sinh sống tại hơn 100 quốc gia, trong đó có khoảng 1,8 triệu người Việt sống tại Hoa Kỳ. Nhu cầu khám, chữa bệnh của người Việt Nam ở nước ngoài khi về thăm quê hương hằng năm không nhỏ. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 40.000 lượt người Việt Nam ra nước ngoài khám, chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD. Đây là nhu cầu và sự lãng phí rất lớn mà chúng ta cần phải khỏa lấp và tận dụng tốt hơn.
(Còn nữa)