Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 07:47, 13/01/2020
Thường xuyên chứng kiến cảnh ùn tắc và mất an toàn giao thông khi đi qua nút giao thông tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (thuộc địa bàn quận 9, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh và một phần thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), anh Nguyễn Văn Dũng (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, sau khi thông xe nút giao thông Đại học Quốc gia vào đầu tháng 11-2019, giao thông khu vực này được cải thiện rõ rệt, các dòng xe di chuyển theo từng làn riêng, đường thông thoáng. “Dòng xe tải, xe container di chuyển hoàn toàn tách biệt với xe gắn máy, bề rộng mặt đường mở rộng gấp đôi so với trước đây, tạo cảm giác thoải mái cho người tham gia giao thông”, anh Dũng chia sẻ.
Để thực hiện hiệu quả việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông đô thị, năm 2020, ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đề ra các chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, Sở Giao thông - Vận tải thành phố đặt mục tiêu tăng thêm 23km chiều dài đường; tăng thêm 505.000m2 diện tích đường và xây dựng thêm 5 cây cầu. Nguồn vốn đầu tư xây dựng được lấy từ ngân sách thành phố và các hình thức huy động khác.
Trong đó, thành phố sẽ ưu tiên thực hiện với các khu vực điểm “nóng” về kẹt xe trên địa bàn. Cụ thể, khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, Tân Phú) thực hiện mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; cải tạo đường Cộng Hòa; nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh; nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý; mở rộng đường Tân Sơn; xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; mở rộng đường Trường Chinh.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Sở tập trung vào các chương trình đột phá của thành phố về giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị theo quy hoạch được duyệt, cải thiện tình hình giao thông, nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trọng điểm gắn với chỉnh trang đô thị.
Để tăng cường kết nối hệ thống hạ tầng giao thông với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, ngành Giao thông thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông - Vận tải triển khai các công trình giao thông theo quy hoạch như: Đường sắt cao tốc Bắc Nam; nút giao An Phú; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường Vành đai 3… Cùng với đó, thành phố cũng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương), số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) và các tuyến khác. Từ đó, thành phố tiến tới việc kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Để đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ trong việc đầu tư xây dựng các tuyến Vành đai 3 và 4; kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành liên quan sớm xem xét nghiên cứu, đầu tư các đường cao tốc khác theo quy hoạch như đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xem xét quy hoạch đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ…