Kỹ thuật chăm sóc hoa đào nở đúng dịp Tết
Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:39, 13/01/2020
Kỹ thuật: Cần thường xuyên theo dõi thời tiết để chăm tỉa cây cành, nếu ấm thì chăm sóc muộn hơn, rét thì chăm sóc sớm hơn. Đào được trồng từ cuối tháng Giêng - đầu tháng Hai âm lịch; tháng Tư, tháng Năm, cần tỉa bớt nhánh xấu gần gốc để nuôi cành; tháng Bảy, tháng Tám, tiếp tục cắt những cành cao quá, bấm tỉa bớt cho đều tán.
Theo kinh nghiệm dân gian, vào tháng Tám âm lịch nếu gặp rét, thực hiện phương pháp dùng dao sắc cắt một đường quanh vỏ thân dưới chỗ phân cành, cách mặt đất hơn 40cm để hạn chế nhiễm bệnh do mưa. Sau một tuần, nếu lá đào không chuyển sang màu vàng nhạt hoặc hơi rũ xuống thì nông dân cần thực hiện việc này thêm một lần nữa đến khi lá chuyển màu. Sau khi khoanh vỏ, dùng túi ni lông che vết khoanh để nước mưa không gây thối vỏ; dùng nước ấm tưới để đào mau ra nụ.
Đầu tháng Mười hai âm lịch, nếu thấy các nụ hoa nhú chưa rõ ràng, báo hiệu hoa nở chậm, cần bón thúc bằng phân chuồng; bới xung quanh gốc khoảng 5cm, sau đó tưới phân bắc, nước tiểu, nước nóng 40-45 độ C.
Chăm sóc: Theo kinh nghiệm trồng đào cảnh, sau Tết cần chuyển đào trồng trực tiếp trong đất hoặc thay hỗn hợp đất mới với tỷ lệ 3-4 phần đất kết hợp 1 phần phân hữu cơ; khi trồng, bón lót phân hữu cơ hoai mục 3-5kg/cây tùy kích cỡ…
Đối với đào gốc, sau khi thu hoạch cành bán Tết, cần bón phân hữu cơ 3-5kg/cây (ngay sau Tết 10-15 ngày). Từ trung tuần tháng Mười đến tháng Mười một âm lịch tùy theo năm nhuận hay thường và tình hình sinh trưởng của cây để quyết định ngừng bón phân gốc, hạn chế tăng trưởng thân lá, thúc đẩy phân hóa mầm hoa. Sau trồng, cần cắt bỏ tất cả cành, chỉ để lại cành to sát gốc, tập trung dinh dưỡng nhú nhiều cành mới cho vụ đào sau.