Đổi tiền mới - thói quen cũ nên bỏ
Tài chính - Ngày đăng : 07:04, 13/01/2020
Phí đổi tiền lẻ cao nhất hơn 270%
Càng đến sát Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ, tiền mới của người dân để mừng tuổi hay đi lễ chùa càng tăng. Chị Ngọc Hà (70 Chân Cầm, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, chị vừa vào phòng giao dịch của một ngân hàng trên phố Bà Triệu để đổi tiền, nhưng nhân viên cho biết hiện không có tiền mệnh giá nhỏ để đổi...
Tại ngân hàng là vậy, song ở "chợ đen" thì dường như người dân muốn đổi bao nhiêu cũng có. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại các phố Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm)... không khó để bắt gặp người làm dịch vụ đổi tiền lẻ. Khách hàng chỉ cần dừng xe, những người này sẽ mời chào và sẵn sàng phục vụ, loại tiền nào cũng có, còn nguyên seri...
Phí đổi tiền cao hay thấp phụ thuộc vào mệnh giá tiền cần đổi và số lượng; trong đó, mệnh giá tiền càng nhỏ, phí đổi càng cao. Phí đổi tiền tại "chợ đen" phổ biến là 7% với tiền mệnh giá 100.000 đồng, tức đổi 1 triệu đồng thì mất 70.000 đồng tiền phí; 8% với tiền mệnh giá 50.000 đồng. Năm nay là năm 2020 nên nhu cầu đổi tiền mệnh giá 20.000 đồng tăng và phí ở mức cao, 10-12%.
Trên mạng internet, dịch vụ đổi tiền cũng được quảng cáo công khai. Phí đổi tiền qua mạng thấp hơn chút so với giao dịch trực tiếp tại "chợ đen", phổ biến 5-12% với mệnh giá 2.000 đồng đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, với loại tiền giấy, mệnh giá nhỏ như 500 đồng, vì khan hiếm nên phí đổi lên đến hơn 270%.
Không chỉ đổi tiền mới, tờ 2 USD cũng được rao bán nhiều với giá 50.000-53.000 đồng/tờ. Đặc biệt, những tờ 2 USD có số năm sinh đúng như người mua cần, giá bán tới 200.000 đồng/tờ. Đáng chú ý, năm nay là năm Canh Tý nên tờ 2 USD in hình con chuột mạ vàng được rao bán rất nhiều trên mạng (180.000-300.000 đồng/ tờ). Mặc dù được quảng cáo rầm rộ, nhưng thực tế chưa ai biết tờ 2 USD in hình chuột vàng xuất xứ từ đâu. Trên một số trang mạng xã hội, tờ 2 USD chuột vàng được quảng cáo do Bộ Tài chính Mỹ in ấn và phát hành nhằm phục vụ nhu cầu lì xì Tết âm lịch 2020 của người dân châu Á và không có giá trị lưu thông. Chị Nguyễn Thùy Anh, Việt kiều tại bang California, Mỹ cho biết: "Tôi chưa từng nhìn thấy tờ 2 USD có in bất cứ hình con vật gì ở Mỹ, nên tôi nghĩ tờ tiền này không thể được lưu thông".
Trao đổi với một chủ trang mạng xã hội có tên Lê H.Phương chuyên bán các mặt hàng trang sức và các loại tiền ngoại tệ phục vụ mừng tuổi phóng viên được biết, tờ tiền 2 USD in hình chuột vàng thực tế được mua từ Trung Quốc về để bán, nhưng cụ thể thế nào thì người mua không nắm được. Trên thực tế, đồng tiền này chỉ mang tính tượng trưng, không có giá trị.
Về vấn đề này, chuyên gia ngân hàng - tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, không quốc gia nào phát hành tiền có hình tượng liên quan đến văn hóa của quốc gia, hoặc vùng lãnh thổ khác. Có thể có người đã nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng nên in hình con chuột lên tờ 2 USD để cung cấp ra thị trường. Vì có yếu tố "con giáp" theo từng năm nên người dân mua tờ tiền này làm quà tặng, sưu tầm, trưng bày là điều bình thường; nhưng nếu dùng để giao dịch, mua bán sẽ vi phạm pháp luật.
Không in tiền mệnh giá nhỏ
Thực tế, thói quen về việc đổi tiền mới để mừng tuổi, tiền lẻ để đi lễ đã hình thành nhiều năm nay, nên để thay đổi không phải việc đơn giản. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng tiền mới mệnh giá nhỏ để đi lễ, thay vì đặt quá nhiều nơi trong đền, chùa, người dân chỉ cần sử dụng một tờ tiền có mệnh giá lớn hơn tại một nơi, hoặc gửi vào hòm công đức và không nhất thiết phải sử dụng tiền mới.
Việc này đã được tuyên truyền khá đậm trong nhiều năm qua, nhưng chưa có sự chuyển biến mạnh trong ý thức của nhiều người. Theo luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An (quận Thanh Xuân, Hà Nội), thực hiện đổi tiền không đúng quy định pháp luật sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (Điểm a, Khoản 5, Điều 30 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP (ngày 17-10-2014) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng). Đây là mức phạt tương đối lớn, nhưng thực tế chưa có nhiều vụ việc bị xử lý nên không ít người vẫn ngang nhiên thực hiện dịch vụ này.
Vì thế, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm những vi phạm đang diễn ra. Mới đây, tại Chỉ thị 33/CT-TTg (ngày 19-12-2019) về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động mua bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định pháp luật.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, việc không in tiền lẻ (mệnh giá dưới 10.000 đồng) trong dịp năm mới sẽ giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Việc này sẽ tiếp tục duy trì trong những năm tới vì sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng và toàn xã hội.
Những cái lợi từ việc hạn chế sử dụng tiền lẻ, tiền mới trong mỗi dịp Tết đã thấy rõ, mỗi người hãy cùng chung tay để thay đổi thói quen cũ, hướng đến sự văn minh cho toàn xã hội.