Bài cuối: Nâng chất lượng để "hút" người bệnh
Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 14/01/2020
Thiếu dịch vụ chất lượng cao
Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tư nhân đã, đang được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngang tầm với khu vực và thế giới. Hiện cả nước đã có khoảng 50 bệnh viện đạt chất lượng tốt theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Ngoài ra, có 4 bệnh viện đạt Chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng về y tế của Hoa Kỳ (JCI).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, dù đã có sự tiến bộ rõ rệt, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có bệnh viện công lập nào đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế. Hơn nữa, việc đánh giá chất lượng độc lập, công bố kết quả ở cấp độ quốc gia hoặc “gắn sao” cho bệnh viện cũng chưa được triển khai. Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài, nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện công lập sẽ không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát nhanh của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thực hiện vào tháng 8-2019 tại 329 bệnh viện cho thấy, số bệnh viện có khu hoặc khoa điều trị quốc tế chất lượng cao chỉ chiếm 5,5% và số bệnh viện có khu hoặc khoa điều trị theo yêu cầu chiếm 22,2%.
Xuất phát từ thực tế điều trị cho những bệnh nhân nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã chia sẻ về những vướng mắc, khiến bệnh nhân người nước ngoài không tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị, sau khi phẫu thuật ổn định. Đó là Việt Nam chưa có cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, chưa có cơ chế thanh toán toàn diện cho người có bảo hiểm y tế quốc tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, trong năm 2019, có một trường hợp bệnh nhân người Mỹ muốn đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức điều trị. Thế nhưng, cũng như nhiều bệnh viện công khác, tại đây chưa thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế quốc tế. Vì vậy, bệnh nhân người Mỹ này phải sang Bangkok (Thái Lan) để thực hiện ca phẫu thuật. Một thời gian sau, người này quay trở lại Việt Nam, vì bị biến chứng sau ca phẫu thuật. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cấp cứu. Sau khi mổ xong, bệnh nhân này lại quay sang Thái Lan để được chăm sóc y tế.
“Thái Lan có cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế quốc tế. Thêm vào đó, người nước ngoài họ thường yêu cầu dịch vụ chăm sóc toàn diện, cơ sở dịch vụ chất lượng phải tốt… như ở nước họ, nên không chấp nhận điều kiện hiện có của bệnh viện Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho hay.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam thông tin, ngay cả những người Việt Nam có điều kiện kinh tế họ cũng chọn ra nước ngoài chữa bệnh, dù bệnh đó trong nước hoàn toàn chữa được. Hơn nữa, ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, cao gấp 4-10 lần ở Việt Nam. Đây là điều mà nhiều nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, bác sĩ trăn trở, tìm lời giải.
Chúng tôi đã mang thắc mắc này hỏi những người có người thân ra nước ngoài chữa bệnh. Anh Nguyễn Anh Dũng (48 tuổi ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) có vợ bị ung thư đại tràng đang điều trị tại Singapore cho biết, ngoài yếu tố sính ngoại, nhiều người bệnh lựa chọn ra nước ngoài còn do bệnh viện nước ngoài làm tốt hơn bệnh viện trong nước về các vấn đề dịch vụ y tế, như: Dinh dưỡng cho người bệnh, hỗ trợ tâm lý… trong quá trình điều trị.
Cấp bách nâng chất lượng dịch vụ
Hiện tại, một số bệnh viện đã chú ý đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Đơn cử, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội), ngay khi bước vào khu vực quầy đón tiếp, người bệnh sẽ bắt gặp nụ cười ấm áp của đội ngũ nhân viên lễ tân. Họ sẽ hướng dẫn bệnh nhân lấy số, đăng ký khám và giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình khám, chữa bệnh. Không chỉ vậy, bệnh viện còn cho đặt một cây đàn Piano tại khu vực chờ khám.
Bác sĩ Tăng Đức Cương, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện cho biết, khi đến bệnh viện, người bệnh không chỉ được điều trị về thân bệnh, mà còn được điều trị về tâm bệnh. Khi nghe tiếng đàn, tâm trạng người bệnh sẽ thư thái, nhẹ nhàng hơn. “Song hành với việc nâng cao chất lượng chuyên môn, bệnh viện luôn quan tâm đến tăng cường chất lượng dịch vụ, làm sao để người bệnh đến đây không cảm thấy bức bối, căng thẳng”, bác sĩ Tăng Đức Cương nói.
Còn theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, thời gian tới, bệnh viện sẽ chủ động kết hợp với các công ty bảo hiểm giới thiệu bệnh nhân nước ngoài điều trị tại bệnh viện, đồng thời xây dựng những gói dịch vụ chất lượng cao, phù hợp với người nước ngoài. Tại cơ sở 2 của bệnh viện ở tỉnh Hà Nam sẽ xây dựng Khoa Quốc tế có 200 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế và phát triển hệ thống điều trị theo yêu cầu với việc tận dụng đội ngũ chuyên gia, những người có trình độ, được đào tạo bài bản ở các nước có nền y học hiện đại và tiếp tục trang bị thêm các máy móc bảo đảm đồng bộ. Mặt khác, bệnh viện tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, xây dựng đề án “hút” bệnh nhân ngoại và người có điều kiện trong nước để thực hiện chủ trương “dây rút ngược” là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Khi đề án được triển khai sẽ tạo động lực nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng và chất lượng dịch vụ của một số bệnh viện, giảm “chảy máu ngoại tệ”. Để “hút” người bệnh, cả bệnh viện công lập và ngoài công lập cần phải tạo được uy tín bằng việc làm tốt chuyên môn, lấy bệnh nhân làm trung tâm, chứ không phải chỉ quảng cáo, “đánh bóng” tên tuổi.
“Các bệnh viện phải thực hiện khẩu hiệu lấy người bệnh làm trung tâm, chăm sóc toàn diện, thay đổi tư duy phục vụ từ người bảo vệ, người tiếp tân, điều dưỡng cho đến bác sĩ điều trị…”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Theo Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030”, đến năm 2030, tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%; tỷ lệ tỉnh, thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỷ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hằng năm từ 1% trở lên.