Chú trọng truyền thông xây dựng văn hóa trên mạng xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 20:39, 14/01/2020
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại hội nghị tổng kết phong trào năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 vào chiều 14-1-2020.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp
Báo cáo tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2019, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, phong trào đã tác động toàn diện đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tiếp tục cụ thể hóa các nội dung “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” gắn với thực hiện Chỉ thị số 5 “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện đăng ký bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; quản lý và tổ chức lễ hội; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán vùng miền dân tộc; thí điểm triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 24 địa bàn cấp xã; khuyến nghị không đốt vàng mã tại di tích, cơ sở thờ tự và lễ hội; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, dân tộc...
Các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tăng cường công tác phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao qua các hoạt động thiết thực, hiệu quả; lồng ghép, thực hiện các nội dung trong phong trào gắn với nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh đó, các địa phương tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện đăng ký và bình xét các danh hiệu văn hóa; chủ động gắn kết các nội dung phong trào với việc thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác tuyên truyền... Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 20 đoàn công tác, thực hiện kế hoạch kiểm tra kết quả thực hiện phong trào tại 40 địa phương.
Theo hướng dẫn, các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 lồng ghép hoạt động của Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, tạo thành chuỗi các hoạt động của Tháng Gia đình với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Ngoài ra, tại các tỉnh, thành còn tổ chức nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, gặp mặt tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu, tuyên dương điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực.
"Thông qua các hoạt động, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, đặc biệt công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, việc cưới, việc tang cũng được thực hiện theo nếp sống văn minh, nhiều điển hình ở các lĩnh vực đã được lan tỏa và nhân rộng", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền
Xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, nhà trường, cơ quan, cộng đồng dân cư trong việc giáo dục đạo đức, lối sống; xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, phát huy vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bảo vệ môi trường sống; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá.
Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tăng cường phối hợp liên ngành phát huy vai trò, giá trị tốt đẹp của các tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư; hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng bảo đảm văn minh, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động văn hóa để trục lợi; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát việc bình xét các danh hiệu văn hóa…
Biểu dương những nỗ lực đã đạt được trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có những bước phát triển tiến bộ, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
“Điển hình, trong những năm gần đây, yếu tố xây dựng văn hóa, đời sống tinh thần, bảo đảm môi trường văn minh nông thôn được chú trọng hơn thay vì chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập người dân như những năm đầu tiên phát động phong trào xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, văn hóa công sở trong các cơ quan nhà nước có tiến bộ rõ rệt, tình trạng quan liêu, thờ ơ, vô cảm bớt đi, kỷ cương nâng lên một bước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, các mặt văn hóa - xã hội được chú trọng và có nhiều tiến bộ nhưng biểu hiện xuống cấp đạo đức xã hội vẫn còn tồn tại; một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội liên quan đến việc tổ chức các hoạt động lễ hội, cưới hỏi, tang lễ...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, thời gian tới, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tổ chức, thực hiện các quy định, tiêu chí văn hóa ở các phạm vi như gia đình, trường học, bệnh viện, khu dân cư, công sở, quân đội, công an, doanh nghiệp…; đẩy lùi “bệnh hình thức”, “thi đua hình thức”, "chạy theo thành tích".
Đồng thời, các bộ, ban, ngành chỉ đạo phối hợp lên tiếng chống lại các tệ nạn như: Nghiện hút ma túy, mại dâm, rượu bia, các hình thức đánh bạc, cá độ… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra; đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, không chỉ trên báo chí mà chú trọng truyền thông trên mạng xã hội, phản bác các ý kiến sai lệch về văn hóa”.