Cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc hơn nữa

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 15/01/2020

(HNM) - Năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố Nguyễn Anh Tuấn để làm rõ hơn kết quả đạt được và các giải pháp thực hiện mục tiêu đặt ra trong năm 2020.

Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động để khuyến khích người dân dùng hàng Việt.

- Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện cuộc vận động của Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố, cùng các đơn vị thành viên đã góp phần tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người dân Thủ đô. Ông có thể cho biết rõ hơn về những kết quả đã đạt được trong năm qua?

- Năm 2019, Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, Ban chỉ đạo các cấp tích cực tuyên truyền về cuộc vận động, đặc biệt về kết quả 10 năm thực hiện cuộc vận động, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố năm 2019 lồng ghép với những nội dung liên quan. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về cuộc vận động.

Đáng chú ý, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của cuộc vận động, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, coi trọng khách hàng, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hành trình đến với người tiêu dùng của hàng Việt Nam còn gặp không ít khó khăn. Vậy, những tồn tại cần khắc phục trong quá trình thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, công tác phối hợp của các lực lượng chức năng ở một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Vẫn còn những doanh nghiệp chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu, tìm tòi sáng tạo cải tiến mẫu mã. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, không bảo đảm an toàn thực phẩm còn tồn tại, dù lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh...

Hơn nữa, các doanh nghiệp nhà nước đều đang tiến hành cổ phần hóa nên không có doanh nghiệp chủ lực làm “đầu tàu” cho việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Các doanh nghiệp tham gia bán hàng tại các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động ở khu vực xa trung tâm phải tăng chi

phí vận chuyển, trong khi doanh số thấp, nên bán hàng thường không có lợi nhuận, khiến việc vận động doanh nghiệp tham gia chương trình gặp nhiều khó khăn…

- Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố sẽ triển khai những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2020?

- Năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tôn vinh các sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tập trung kết nối cung - cầu, đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng thông qua việc tổ chức các hội chợ.

Tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng ở khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp thông qua các chương trình bảo đảm hiệu quả hơn. Gắn hoạt động của cuộc vận động với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố; phối hợp với các ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động đồng hành cùng các chương trình của thành phố để đưa hàng hóa vào các siêu thị, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng sạch; thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp của thành phố cần xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động ở cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Trong đó, cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp hơn nữa, để đưa cuộc vận động thực sự trở thành một cuộc vận động toàn dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hiền