Sống có đạo đức thì phúc sẽ đến, không phải vì đốt nhiều hay ít vàng mã!

Xã hội - Ngày đăng : 21:44, 16/01/2020

(HNMO) - Đốt vàng mã là tục lệ có từ lâu đời và càng phổ biến vào những dịp Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) tại các gia đình và dịp lễ, Tết tại các cơ sở thờ tự.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Phật giáo thành phố Hà Nội cho rằng, sống có đạo đức thì phúc sẽ đến, không phải vì đốt nhiều hay ít vàng mã.

(Ảnh minh họa)

- Đốt vàng mã là tục lệ dân gian, không phải bắt nguồn từ đạo Phật. Tuy nhiên, người dân vẫn thường đến chùa làm lễ và thực hiện nghi thức này. Quan điểm của Thượng tọa về vấn đề này thế nào?

- Phật giáo được du nhập vào Việt Nam hàng nghìn năm và trong một giai đoạn lịch sử thì Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dung hòa các tông phái Phật giáo, trong đó dung hòa ba tôn giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Việc đầu xuân năm mới đi lễ chùa là nét đẹp của người Việt Nam nói chung và đặc biệt là người Hà Nội nói riêng. Cúng cầu an là nghi thức truyền thống từ ngàn đời của người Việt. Đối với Phật giáo là nghi thức trì tụng Kinh Dược sư cầu nguyện quốc thái, dân an, cầu bình an cho mọi người. Nhưng bên cạnh đó, trong Phật giáo Việt Nam có dung hòa tam giáo nên có nghi thức cúng không phải của Phật giáo nhưng các sư vẫn thực hành. Đó là sự dung hòa, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người Việt.

Việc cầu cúng cũng cần thiết, không thể không có bởi việc này giúp cho người ta có động lực, có niềm tin để phấn đấu, tức là không có hại. Chỉ có điều là cách thực hành thế nào cho phù hợp với xã hội hiện đại. Đó là nghi lễ phải trang nghiêm, hạn chế việc đốt giấy tiền, vàng mã vì ảnh hưởng đến hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường...

Trong xã hội đại hiện nay, cần hạn chế đốt giấy tiền, vàng mã, hạn chế đốt hình nhân thế mạng vì việc đó không giải quyết mấu chốt của vấn đề. Mấu chốt của vấn đề là xây dựng đạo đức con người, hướng con người tới chân, thiện, mỹ và sống có đạo đức, tôn trọng pháp luật, tôn trọng giá trị đạo đức, nhân văn.

Do đó, điều cần làm là nhân các buổi lễ đó, các thầy đem lời dạy của Đức Phật răn mọi người sống lành, sống thiện, có đạo đức thì phúc sẽ đến chứ không phải chỉ cúng mà được bình an. Cúng chỉ là nuôi dưỡng đức tin, nhưng đức tin đó chưa đủ mà phải bằng hành động là sống đời sống lương thiện, đạo đức thì sẽ gặp những cái tốt, điều thuận.

- Vấn đề đốt vàng mã, dâng sao giải hạn ở mức vừa phải đã được tuyên truyền lâu nay nhưng thực tế vẫn còn có tình trạng đốt quá nhiều. Vậy theo Thượng tọa, năm 2020 cần làm gì để chủ trương nói trên có hiệu quả hơn?

- Vấn đề quan trọng là cần làm tốt công tác tuyên truyền. Do các cơ quan chức năng cũng như nhà chùa chỉ có thể tuyên truyền hạn chế đốt vàng mã chứ không thể yêu cầu cấm đốt vàng mã một cách tuyệt đối. Cho nên, điều quan trọng là cách tuyên truyền, vận động cần thực hiện cho khéo, cho có kết quả tốt.

Người tuyên truyền, vận động phải làm thế nào để người ta hiểu được vấn đề, để người ta thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi hành vi.

- Đầu tháng 1-2020, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đã tổ chức hội nghị truyền thông “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở thờ tự Phật giáo”. Điều này liệu có tạo ra khác biệt so với những năm trước đây?

- Chắc chắn là có sự khác biệt. Năm 2020, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hà Nội đã phát động cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội”. Trong đó chú trọng cung cấp thông tin pháp lý, quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp nhằm nâng cao nhận thức của tăng, ni trụ trì tại các cơ sở tự viện trên địa bàn thành phố về việc tổ chức, thực hành đúng chính pháp các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng tại cơ sở tự viện mình quản lý.

Thành hội Phật giáo Hà Nội đã gửi văn bản đến từng chùa yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Điều đó cho thấy cách làm bài bản hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn.

- Thượng tọa có lời khuyên thế nào đối với phật tử, người đi lễ nhân dịp xuân mới Canh Tý?

- Đối với bà con phật tử có đức tin theo đạo Phật hay mến đạo Phật, điều quan trọng là hãy sống theo đúng tinh thần của Phật giáo. Đó là chính tín, sống theo lời dạy của Đức Phật, giữ gìn 5 giới cấm của người phật tử tại gia là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Nếu chúng ta giữ được 5 giới cấm đó thì đã đóng góp xây dựng được xã hội văn minh, phát triển ở Thủ đô và đất nước.

Trong các ngày lễ mà có tục lệ đốt vàng mã hay đi lễ chùa dịp cuối năm Kỷ Hợi 2019, đầu năm Canh Tý 2020, các phật tử không nên lạm dụng đốt vàng mã. Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, những người sống ở Thủ đô hơn một nghìn năm văn hiến là những người sớm được tiếp cận văn minh của thế giới, của nhân loại thì cách hành xử của chúng ta phải là cách ứng xử của con người văn minh.

- Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Hiền Chi