Duy trì nền nếp, kỷ cương, an toàn

Giáo dục - Ngày đăng : 07:15, 16/01/2020

(HNM) - Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.746 trường học các cấp và hơn 2 triệu học sinh trong năm học 2019-2020. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành Giáo dục Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp giữ nghiêm kỷ cương, tăng cường công tác quản lý, duy trì nền nếp dạy, học, duy trì sĩ số; đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông, tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho các em học sinh...

Giáo viên Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) hướng dẫn các em học sinh về an toàn giao thông. Ảnh: Hữu Tiệp

Bảo đảm kế hoạch dạy, học 

Thời điểm này, học sinh các trường học trên địa bàn Hà Nội vừa hoàn thành kiểm tra học kỳ I năm học 2019-2020, cũng là lúc các em chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bởi vậy, đây đó đã có tư tưởng “xả hơi”. Để chấn chỉnh tình trạng này, đồng thời tăng hiệu quả giáo dục, ban giám hiệu nhiều trường học đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức giảng dạy và hoạt động ngoại khóa; quán triệt tới cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc các hoạt động theo kế hoạch phân phối chương trình đã quy định trong năm học...

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho biết, nắm bắt tâm lý học sinh và giáo viên thường bị chi phối bởi nhiều thứ vào những ngày áp Tết nên ngoài việc duy trì kế hoạch dạy học, nhà trường đã linh hoạt hơn về mức độ yêu cầu và bổ sung nhiều hoạt động ngoại khóa, như gói bánh chưng, tìm hiểu về các phong tục cổ truyền ngày Tết của người Việt… Cách thức này khiến học sinh thích đến trường hơn, việc học tập cũng bớt áp lực, từ đó có sự cộng tác nghiêm túc, tích cực hơn. Bên cạnh đó, trường cũng phân công giáo viên phối hợp với các đoàn thể, phụ huynh... thường xuyên nắm bắt tình hình không để xảy ra tình trạng học sinh nghỉ học.

Còn tại quận Tây Hồ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Hồng Vũ cho biết, để tăng cường sự phối hợp của gia đình trong việc quản lý học sinh, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường thông tin cụ thể về lịch nghỉ Tết của học sinh các cấp học và kế hoạch giáo dục của đơn vị. Phòng cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường kiểm tra công vụ, giữ vững kỷ cương, nền nếp hành chính và tổ chức dạy học theo đúng kế hoạch chương trình, tuyệt đối không để có tư tưởng rã đám vào những ngày cuối năm. 

Theo ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức, những năm gần đây, học sinh trên địa bàn huyện đã không còn nghỉ học nhiều ngày để cùng người thân tham gia vào các dịch vụ phục vụ Lễ hội chùa Hương. Năm nay, ngành Giáo dục huyện tiếp tục có văn bản chỉ đạo 83 trường học trên địa bàn lưu ý duy trì nền nếp, giám sát sĩ số học sinh hằng ngày, nhất là tại một số xã có tổ chức lễ hội... Phòng đã và sẽ kiểm tra trực tiếp tại các trường trong thời gian trước và sau kỳ nghỉ Tết. 

Ngăn chặn nguy cơ mất an toàn

Mới đây, bằng camera giấu kín, nhóm phóng viên Trung tâm Tin tức VTV24 đã ghi nhận câu chuyện của một số học sinh ở huyện Ba Vì bị dụ dỗ, lừa đảo vướng vào tệ nạn xã hội. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh sự việc, song đây cũng là lời cảnh tỉnh để nhà trường, các bậc phụ huynh học sinh nâng cao trách nhiệm trong quản lý, giáo dục các em. Bà Lê Quỳnh Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) bày tỏ: Chúng tôi mong các nhà trường có nhiều biện pháp giáo dục, quản lý để kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đối với học sinh. Về phía gia đình, cũng tuyệt đối không được lơ là trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Để bảo đảm an toàn cho các em học sinh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các trường học cũng đã triển khai nhiều giải pháp như lồng ghép các nội dung giáo dục, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống tệ nạn xã hội… Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, trên địa bàn huyện có 75 trường học, 40.000 học sinh và đa phần học sinh đều là con em các gia đình làm nông nghiệp, sự quan tâm với các em còn hạn chế. Do đó, trong dịp Tết, Phòng đã yêu cầu đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp tăng cường nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh, nhất là học sinh cấp trung học cơ sở; duy trì hoạt động tư vấn tâm lý học đường để kịp thời chia sẻ, tháo gỡ và định hướng cho các em…

Còn theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, cùng với việc duy trì mô hình bảo vệ chuyên nghiệp ở 100% các trường tiểu học và trung học cơ sở, trong những ngày trước và sau Tết, Phòng yêu cầu các nhà trường bổ sung lực lượng vào giờ phụ huynh đón con; giám sát chặt chẽ khách đến trường; tăng cường kiểm tra các khu vực khuất… để phòng ngừa kẻ xấu. 

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngoài việc duy trì nghiêm túc kỷ cương hành chính, Sở cũng yêu cầu các nhà trường quan tâm giáo dục học sinh thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch; không tham gia tệ nạn xã hội, không tham gia đua xe, không cổ vũ đua xe trái phép, không chơi các trò chơi nguy hiểm… “Các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường cần thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận kịp thời các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học. Trong những ngày trước và sau Tết, các đơn vị phải duy trì nền nếp dạy học, bảo đảm an toàn bếp ăn bán trú, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cho học sinh” - ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Thống Nhất