Xuất khẩu năm 2020: Hướng tới mục tiêu 300 tỷ USD

Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 16/01/2020

(HNM) - Với nỗ lực của các doanh nghiệp và sự đồng hành của các bộ, ngành, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 264 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018; xuất siêu kỷ lục 10 tỷ USD. Đây là kết quả ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại thế giới có nhiều khó khăn. Tiếp đà này, Chính phủ giao Bộ Công Thương đưa kim ngạch xuất khẩu cán mốc 300 tỷ USD trong năm 2020.

Máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại là những mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh). Ảnh: Khuê Diệp

Những con số ấn tượng

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019 được đánh giá là năm khó khăn cho hoạt động ngoại thương. Trong đó, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc làm ảnh hưởng đến thương mại thế giới, giảm cầu tiêu dùng; áp lực từ yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế theo các hiệp định thương mại tự do, cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại do các nước nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam… Tuy nhiên, với nỗ lực của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 264 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.

Góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu năm 2019 là nhóm hàng công nghiệp chế biến, đạt hơn 222,1 tỷ USD, chiếm 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, trong 34 nhóm hàng công nghiệp chế biến chủ yếu, có tới 26 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, 8 nhóm hàng đạt trên 5 tỷ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỷ USD (điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,8 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 35,5 tỷ USD; hàng dệt may đạt 32,5 tỷ USD…).

Nói về kết quả này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, trước hết phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và các cơ quan quản lý về chủ trương, chính sách thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, vượt qua nhiều rào cản thương mại từ các thị trường nước ngoài. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do đem lại, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, sau Singapore và Thái Lan.

Nối tiếp đà thắng lợi, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020.

Nhiều giải pháp để đạt mục tiêu

Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh

Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong năm 2019, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2020, kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, chủ nghĩa bảo hộ vẫn diễn biến phức tạp, tác động mạnh tới xuất khẩu của nước ta. Cuối năm 2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,9%, giảm 0,1% so với dự báo mà tổ chức này đưa ra trước đó.

Chưa kể, những bất ổn chính trị, kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến khó lường (chẳng hạn như căng thẳng Mỹ - Iran mới đây); trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Dẫn chứng là năm 2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 18,5 tỷ USD, giảm khoảng 5,3%, có nguyên nhân từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. "Xuất khẩu nông sản năm 2020 sẽ đối mặt với nhiều cam go. Căng thẳng thương mại toàn cầu khiến các quốc gia có xu hướng quay trở lại đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông sản tại chỗ, tạo ra áp lực cho các nước xuất khẩu nông sản, đặc biệt là Việt Nam, quốc gia xuất khẩu lớn về nông sản”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Trong nước, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan - Khoa Biển và Hải đảo (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động bởi biến đổi khí hậu do Việt Nam là nước nông nghiệp, phần đông người dân sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. "Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm thu hẹp, thậm chí mất diện tích đất canh tác, giảm năng suất cây trồng, từ đó ảnh hưởng đến một số mặt hàng xuất khẩu như cà phê, gạo..." - Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan phân tích.

Để đạt mục tiêu Chính phủ giao, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các bộ, ngành đang phối hợp cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả liên kết vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thời gian tới Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến, lấy khoa học công nghệ làm động lực của nền tảng cạnh tranh. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng để đạt được mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD là khai thác tốt các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do, chú trọng các thị trường tiềm năng ngoài Mỹ, như EU và những thị trường thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đi liền với đó là hoàn thiện thể chế, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Hiền - Hương