Xây dựng nông thôn mới năm 2020 tại Hà Nội: Quyết tâm cho mục tiêu mới
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:35, 17/01/2020
Những mục tiêu mới
Xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019. Tuy vậy, theo Chủ tịch UBND xã Tống Văn Thái, Tiên Phương vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt điểm tối đa. Ví dụ, với tiêu chí giao thông, đường ngõ xóm thì đường trục chính nội đồng chủ yếu vẫn là đường cấp phối, cần tiếp tục được đầu tư; xã cũng mới có 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia và thu nhập bình quân mới vừa đạt đủ tiêu chí xã nông thôn mới (45 triệu đồng/người/năm)... Do vậy, xã cần phấn đấu hơn trong các năm tiếp theo để nông thôn mới thực sự bền vững.
Với huyện Chương Mỹ, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Đức Học, đến hết năm 2019, Chương Mỹ có 28/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện phấn đấu đến 2020 hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã và hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tiêu chí về hạ tầng do liên quan đến vốn đầu tư vì nguồn lực của huyện còn hạn chế.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh thông tin: Huyện Sóc Sơn đã có 24/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới và cần nỗ lực rất lớn để thực hiện các tiêu chí, hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2020. Cũng về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, Đan Phượng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Huyện mong muốn thành phố có cơ chế hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao như với các xã đang xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, trong năm 2019, Hà Nội có thêm 2 huyện, 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tính lũy kế, đến nay Hà Nội có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 356/386 xã (đạt 92,2%) đạt chuẩn nông thôn mới và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2020, Hà Nội phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (nâng số xã đạt chuẩn lên 371 xã), 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (nâng số xã đạt chuẩn nâng cao lên 26 xã), 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín, Sóc Sơn, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên hoàn thiện các nội dung để trình công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2020 và thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020...
Nâng cao chất lượng tiêu chí
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, năm 2020, cùng với việc tiếp tục quan tâm, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các xã chưa đạt chuẩn, đối với các xã đã đạt nông thôn mới, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, ngay từ những ngày đầu của năm mới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực hợp lý để chương trình đạt hiệu quả cao.
Với sự hỗ trợ từ thành phố, nhiều xã đã có kế hoạch nâng cao chất lượng tiêu chí, xây dựng cơ sở hạ tầng... Chủ tịch UBND xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) Hoàng Văn Tuân cho biết, dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao nhưng địa phương vẫn tiếp tục chỉnh trang hạ tầng, xây các bồn trồng hoa, cây cảnh trên trục đường chính vào các thôn... vừa để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Canh Tý, vừa làm mới diện mạo nông thôn theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp...
Còn xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ), để nâng cao thu nhập cho người dân, xã tiếp tục vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; đưa các giống cây, con năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 53 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả cao...
Với huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vi Thị Bình Anh cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện đang tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân; đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực, trong đó có xã hội hóa để tập trung hoàn thiện hạ tầng nông thôn.
Xác định điều quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao là nâng cao đời sống cho nông dân nên việc phát triển sản xuất được thành phố Hà Nội rất quan tâm. Theo đó, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh: Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh việc đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao”. Phát triển và mở rộng các vùng, khu, trang trại chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản theo chuỗi. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngoài đồng ruộng.
Hà Nội cũng sẽ tập trung thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển kinh tế nông thôn. Dự kiến, năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 700 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Cùng với đó, Hà Nội cũng sẽ tổ chức 6 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền tại các tuyến phố đi bộ của thành phố. Đồng thời, xây dựng điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Sài Sơn (huyện Quốc Oai), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)... để hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch, làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thành phố trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2020, chắc chắn Hà Nội sẽ đạt được những kết quả cao hơn, hướng đến mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới.