Đầu tư nước ngoài vào giai đoạn mới
Tài chính - Ngày đăng : 08:55, 17/01/2020
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2019 Việt Nam tiếp tục đứng trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, với kết quả khả quan. Cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đạt hơn 38 tỷ USD trong khi vốn giải ngân cũng đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào 19/21 phân ngành kinh tế, trong đó đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 70%, thể hiện sự phù hợp với chủ trương thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Năm 2020, Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh, đà tăng trưởng của năm trước. Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sẽ có một số thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài nhờ việc nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, cũng như việc một số hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục phát huy tác dụng. Từ đó, Việt Nam có điều kiện để tiếp tục duy trì định hướng trở thành địa chỉ thu hút đầu tư đáng tin cậy, là cứ điểm sản xuất phục vụ xuất khẩu của các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới.
Chia sẻ quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung mời gọi những dự án có trình độ công nghệ, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ những tập đoàn đa quốc gia, những tên tuổi lớn về công nghệ để phát huy tính lan tỏa, chuyển giao công nghệ giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước. Làm như vậy cũng là rút ngắn thời gian tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, phục vụ mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập thành công…
Việt Nam cũng sẽ chủ động khắc phục một số hạn chế về chất lượng và hiệu quả của đầu tư nước ngoài như tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao - công nghệ mới còn thấp, tính liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với doanh nghiệp "nội" thiếu chặt chẽ, vấn đề sử dụng nguyên liệu và nhân công tại chỗ, tuân thủ pháp luật…
Ngay thời điểm đầu năm 2020, giới đầu tư nước ngoài đã quan tâm, chủ động tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Theo ông Hongliang Ruan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Flat (Hồng Kông - Trung Quốc), đơn vị này đang tìm hiểu điều kiện cụ thể, nhất là vị trí thích hợp để triển khai dự án sản xuất kính nổi hiện đại, thân thiện với môi trường trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các cơ quan chức năng, địa phương nên xác định rõ mục tiêu, thu hút đầu tư trong giai đoạn mới là nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài, với chất lượng và yêu cầu cao hơn giai đoạn trước. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy nhanh tốc độ hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch để hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thực tế tại các dự án đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm yêu cầu tuân thủ pháp luật, triển khai dự án đúng tiến độ và cam kết của chủ đầu tư. Ngành chức năng cần tăng cường phối hợp trong trao đổi thông tin để làm tốt việc quản lý; thường xuyên hậu kiểm để đối chiếu, so sánh giữa thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với nhà đầu tư.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong phát triển nhanh và bền vững” diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của Việt Nam là nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô… Do đó, cần sự đóng góp thiết thực của doanh nghiệp nói chung. Việt Nam đồng hành với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khuyến khích các lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tận dụng thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…
"Thời gian tới, cần tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp "nội" và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, theo hướng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đã có hơn 100 tập đoàn lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa về năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Những thực tế đó cần được phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.