Xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản: Bảo đảm nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:28, 19/01/2020

(HNM) - Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô tăng cao, song Hà Nội mới chủ động được một phần, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố. Để bảo đảm nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản với các địa phương.

Sản phẩm nông sản của các tỉnh giới thiệu tại một hội chợ của Hà Nội.

Đa dạng nguồn cung thực phẩm

Theo bà Phạm Diệu Vân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh (tỉnh Sơn La), để đẩy mạnh khâu tiêu thụ, Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng với các siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, cung cấp khoảng 250 tấn rau/năm. Các tháng trong và sau Tết Nguyên đán, Hợp tác xã có thể cung cấp vài tấn rau/ngày. Sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên người tiêu dùng yên tâm về chất lượng.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, hiện tổng đàn lợn của Bắc Giang có 900.000 con, tập trung ở các trang trại khép kín, an toàn sinh học. Theo kế hoạch, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Bắc Giang cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 tấn thịt lợn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân với 60% lượng thịt lợn cung ứng cho thị trường địa phương lân cận, trong đó có Hà Nội.

Nói về công tác xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh với Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, năm qua, Sở NN&PTNT đã ký kết với 21 tỉnh, thành phố về công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản. Do đó, lượng cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả, thịt về Hà Nội tương đối nhiều. Năm 2019, tỉnh Hòa Bình cung cấp cho thành phố 200 tấn rau hữu cơ; 2.500 tấn thịt lợn, 1.000 tấn thịt gà, 500 tấn thịt bò; 1.500 tấn cá sông Đà. Tỉnh Hà Nam cung cấp cho Hà Nội khoảng 15.000 tấn nông sản, thủy sản; tỉnh Sơn La cung cấp 3.260 tấn rau các loại; 330 tấn thịt lợn… Cùng với đó, hệ thống các siêu thị của Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối với các tỉnh như: Siêu thị Vinmart kết nối lượng hàng hóa cho các tỉnh đạt 19.000 tấn; BigC kết nối 4.600 tấn hàng hóa nông sản...

“Không chỉ đẩy mạnh ở khâu tiêu thụ, các sản phẩm ở những địa phương sau khi được hỗ trợ, quảng bá tại tuần hàng và kênh phân phối của Hà Nội đã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến thông qua các kênh truyền thống. Sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, sản lượng bán ra tăng 20-30% với giá thành ổn định, thậm chí nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói thân thiện, chất lượng sản phẩm để đưa vào kênh phân phối hiện đại như: Nhãn, mận, xoài của tỉnh Sơn La, gạo đặc sản Lào Cai, Yên Bái; cam sành Hà Giang, Tuyên Quang...” - ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, việc kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh đang thực sự phát huy hiệu quả, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, công tác dự báo thị trường tiêu thụ nông sản, sản lượng hàng hóa nông sản vào - ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Kế hoạch sản xuất chưa gắn với nhu cầu của thị trường dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong công tác tiêu thụ. Cùng với đó, hiện nay còn ít doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn để tập trung hàng hóa các nhà cung cấp, phát hàng đến các điểm bán lẻ...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và phát huy hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, theo bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên (tỉnh Sơn La), Hà Nội với tỉnh Sơn La thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp của Hà Nội với cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, Hà Nội hỗ trợ các cơ sở sản xuất của tỉnh về chi phí tham gia hội chợ giới thiệu nông sản, tiếp cận với người tiêu dùng Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam, các hợp tác xã, người dân sản xuất nông sản an toàn của Hà Nội cũng như các tỉnh cần tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu và có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ; đồng thời cam kết đủ lượng hàng cho doanh nghiệp khi vào vụ thu hoạch dù giá tăng cao...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, để cung cấp các mặt hàng nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô trong và sau Tết Nguyên đán và các tháng trong năm, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các tỉnh cần chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về những vấn đề nóng như: Tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện vệ sinh thú y; rà soát chủng loại sản phẩm, sản lượng thu hoạch, thời gian đưa ra thị trường... để tổ chức kết nối, tiêu thụ với các doanh nghiệp của Hà Nội.

Quỳnh Dung