Bài 5: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với sự truyền bá tư tưởng cách mạng, sáng lập ngành Tuyên giáo của Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 07:03, 19/01/2020
Sau này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gọi đó là những cuộc cách mạng “chưa triệt để”, vì những người lao động sáng tạo và làm ra của cải vật chất cho xã hội vẫn bị đối xử tàn bạo, giai cấp tư sản đã thiết lập nền thống trị khắp năm châu; chúng như những con bạch tuộc vươn vòi tranh chấp thuộc địa, gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu cho nhân loại. Việt Nam là một quốc gia vốn có lịch sử lâu đời và oanh liệt trong tiến trình dựng nước gắn liền với giữ nước, nhưng từ nửa cuối thế kỷ XIX đã trở thành thân phận vong quốc nô dưới ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 2-1848, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản ra đời, phát sáng một luồng tư tưởng tiên tiến, khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, đồng thời báo hiệu một thời đại mới: Thời đại mà những người cần lao, bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới sẽ nhất tề vùng lên đánh đổ sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc - sự nghiệp giải phóng vĩ đại như vậy chỉ có thể thành công dưới sự lãnh đạo của một chính đảng vô sản.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi là kết quả của sự vận dụng, phát triển Chủ nghĩa Mác - Ăngghen trong bối cảnh cụ thể của nước Nga ở đầu thế kỷ XX, là sự kiểm định lịch sử về tính đúng đắn của học thuyết Lênin. Nhờ có vốn kinh nghiệm xương máu khi lăn xả vào phong trào cách mạng xã hội ở Pháp, với sự nhạy cảm chính trị và tư duy đi trước thời đại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận, thấu hiểu được chân lý thời đại trong bản sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Gần 100 năm trước đây, trong đêm khuya tĩnh lặng, từ căn phòng nhỏ hẹp ở Paris, Nguyễn Ái Quốc đã không kìm nén được cảm xúc khi reo lên “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Rồi sau đó, trong những cuộc tiếp xúc với bạn bè, đồng chí, Người đã dứt khoát rằng: “Đối với tôi, mọi thứ đều đã rõ, bây giờ tôi chỉ muốn mau chóng trở về để giúp đồng bào mình. Sự thủy chung với Tổ quốc, với đồng bào, tính kiên định trong tư tưởng cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc thật sự không gì lay chuyển nổi”.
Phát huy sức mạnh của vũ khí tư tưởng
Trong đề tựa cuốn “Đường kách mệnh” - cẩm nang lý luận cách mạng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo có nêu: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Đó là tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Lênin, thực sự là nguồn sáng dẫn đường, chỉ lối cho những lớp học viên đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc), rồi từ đó, họ được đưa về nước gieo những “hạt giống đỏ” trong phong trào cách mạng nước nhà.
Để đưa chủ nghĩa Mác - Lênin dần trở thành nền tảng tư tưởng cho chính đảng vô sản ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã rất dày công tự nghiên cứu và biên soạn tài liệu với cấu trúc và ngôn ngữ biểu đạt hết sức cô đọng, dễ hiểu, dễ truyền bá. Nguyễn Ái Quốc từ rất sớm đã thấy được sức mạnh của diễn thuyết và của sách báo trong sứ mệnh truyền bá tư tưởng yêu nước. Khi đang là học sinh của Trường Quốc học Huế, giữa lúc phong trào Duy Tân sôi động khắp miền Trung, Nguyễn Tất Thành đã tự nguyện làm cầu nối để truyền lời thỉnh cầu của dân chúng với chính quyền thực dân tại Huế, vì thế Người đã bị đuổi học.
Khi làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Nguyễn Tất Thành đã có những buổi diễn thuyết về truyền thống yêu nước của dân tộc để khơi dậy lòng yêu nước của trẻ thơ. Khoảng thời gian sinh sống và hoạt động cách mạng ở Pháp, Người đã gần gũi, chan hòa, chia sẻ, đồng cảm với những người cùng khổ, viết sách, báo để tuyên truyền cách mạng, tờ báo “Người cùng khổ” và cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” thực sự là vũ khí sắc bén mà Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sử dụng cho quá trình khai tử chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam, góp phần quan trọng cổ vũ các nước bị áp bức thống trị trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Những bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại các diễn đàn quốc tế, được nhiều tờ báo quốc tế đăng, nhất là với Bản yêu sách 8 điểm mà Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Vécxai đã trở thành một xu hướng tư tưởng hoàn toàn mới đối với phong trào cách mạng ở Việt Nam và những thuộc địa khác trên thế giới. Báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21-6-1925 là kết quả sự đúc kết kinh nghiệm vô cùng quý báu của Nguyễn Ái Quốc - một nhà báo chưa bao giờ qua trường lớp đào tạo viết văn, làm báo, mà tự đào tạo trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, tự trang bị vốn kiến thức và kỹ năng viết sách, báo, trưởng thành trong trường đời đấu tranh cách mạng. Điều khác biệt lớn nhất giữa nhà báo - nhà văn - nhà thơ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với thế giới còn lại của báo chí, văn học chính là: Viết không phải để nuôi sống bản thân mà viết để tải đạo cứu người, cứu đời. Mục tiêu thánh thiện ấy đã mang lại sức sống vĩnh hằng trong mỗi cuốn sách, mỗi bài báo, mỗi vần thơ của Người, sức mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là ở tính thuyết phục, sự cảm hóa, cổ vũ, thôi thúc con người biết chấp nhận hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào, cho nhân loại cần lao.
Đảng làm nên những kỳ tích cho lịch sử dân tộc thời hiện đại trước hết là nhờ Đảng, Bác Hồ đã biết sáng tạo nên một trong những phương thức đấu tranh cách mạng có tính tiên phong, mở đường cho mọi phong trào cách mạng, đó là mặt trận tư tưởng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thành quả của công tác tư tưởng dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam; cả một dân tộc biết đoàn kết dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc, đấu tranh sinh tử đòi lại quyền tự quyết cho dân tộc.
Sức mạnh tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước thực sự là minh chứng cho sức mạnh của vũ khí tư tưởng, sức mạnh tinh thần yêu nước, của lòng dân theo Đảng, theo Bác Hồ. Hơn 30 năm qua, nhờ có công tác tư tưởng mở đường mà sự nghiệp đổi mới đất nước thành công, mang lại diện mạo mới, vị thế mới, vận hội mới, nuôi dưỡng khát vọng mới cho dân tộc Việt Nam.
Công tác tư tưởng của Đảng mãi là ngọn đuốc thiêng thắp sáng niềm tin
Thứ nhất, đặt trong tổng thể các phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thì công tác tư tưởng là khó nhất, phức tạp nhất, vì nó là lĩnh vực tác động vào thế giới nội tâm của con người, xã hội; truyền cảm hứng đấu tranh cho sự tiến bộ, hình thành những giá trị mới, nên vừa phải tác động làm thay đổi nhận thức, đồng thời phải cổ vũ, khích lệ hành động cách mạng trong từng giai tầng xã hội. Tất cả các binh chủng trên mặt trận tư tưởng của Đảng (báo chí, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo) đều phải thực sự như những con thuyền tải đạo, hướng tới mục tiêu tối thượng “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Thứ hai, muốn làm tốt công tác tư tưởng cho xã hội thì người làm công tác tư tưởng trước hết phải làm thông tư tưởng chính mình; do đó, phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Bác Hồ, kiên định lập trường tư tưởng cách mạng, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mỗi cá nhân, tổ chức của toàn hệ thống tuyên giáo, dám đối mặt với khó khăn, thách thức, tiên phong đổi mới, sáng tạo, làm hạt nhân cho cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng ngành Tuyên giáo để làm tốt công tác tư tưởng của Đảng trong mọi hoàn cảnh lịch sử - đó chắc chắn là chìa khóa thành công.
Thứ ba, tham mưu với Đảng những kế sách hay trên mặt trận tư tưởng phải thể hiện sự nhạy bén chính trị, có tính đón đầu, khai thông tư tưởng, mở đường cho nghiệp lớn của Đảng, của dân tộc. Sản phẩm hiến kế được hình thành trên tiền đề của những dự báo xu hướng tư tưởng chính trị sát tình hình trong nước, quốc tế, có cơ sở khoa học vững chắc của khảo sát, đúc kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận một cách nghiêm túc, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể trong từng lĩnh vực, địa bàn, tầng lớp xã hội. Chất lượng, hiệu quả tham mưu trên lĩnh vực tuyên giáo phải được thẩm định bởi thực tiễn cách mạng, mang lại niềm hứng khởi, tin tưởng của người dân, thấy được sự chuyển biến tích cực rõ nét trong đời sống xã hội; tạo sự nhất trí cao trong Đảng, sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, giá trị mỗi con người trong toàn ngành Tuyên giáo được định vị ngoài ý muốn chủ quan, chỉ khi nào có cống hiến thực sự cho Đảng, cho đất nước thì mới được tôn vinh. Mỗi người sinh ra và trưởng thành đều nhờ tự học, tự khẳng định giá trị của bản thân, của ngành mình. Tuyên giáo là một nghề có tính đặc thù, nghề đòi hỏi có sự tổng hợp của các kiến thức lý luận chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, cùng với những kiến thức chuyên sâu liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể, không được định sẵn trong quá trình đào tạo; lại thường phải thích ứng với sự chấp hành phân công của các cấp có thẩm quyền. Vì vậy, muốn hoàn thành nhiệm vụ rất cần mỗi người trong ngành Tuyên giáo phải không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho phù hợp với nhiệm vụ được giao; nếu không làm như vậy, tất yếu sẽ bị tụt lại so với yêu cầu cách mạng.
(Còn nữa)