Để niềm vui trọn vẹn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 20/01/2020
Không thể phủ nhận thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cơ quan chức năng, dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt trong tháng cao điểm Tết Canh Tý 2020, cùng với liên ngành thành phố, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn đã đồng loạt ra quân kiểm tra với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thay đổi từ nhận thức đến hành vi trong chấp hành quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, Tết Nguyên đán luôn là cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn, lượng hàng hóa từ các địa phương đổ về thành phố rất đa dạng nên khó kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, còn không ít cơ sở vì lợi nhuận vẫn kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng... Nỗi lo càng gia tăng bởi khó có thể khoanh vùng, kiểm tra, kiểm soát khi nhiều quầy hàng kinh doanh theo thời vụ, không có địa điểm cố định. Vấn đề kinh doanh thức ăn đường phố, buôn bán thực phẩm... vẫn tiềm tàng mối nguy về mất an toàn.
Vì thế, việc kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm cần được các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, hậu kiểm, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm tại các địa phương nên được tiến hành cả định kỳ và đột xuất, không riêng mỗi dịp Tết hay trong tháng ra quân cao điểm. Ở đây, vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở phải được đề cao, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm mới đây, đó là để xảy ra mất an toàn thực phẩm, ngoài chủ cơ sở kinh doanh, người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm.
Trước mắt, trong dịp Tết Canh Tý và mùa lễ hội Xuân năm 2020, công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung vào nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều và có nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm; tại các làng nghề chế biến thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị. Kiên quyết không để sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn... lưu thông trên thị trường.
Cùng với việc xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm thì việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cần tiếp tục được chú trọng, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của cả cộng đồng. Việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn phải được chỉ rõ, lên án. Đi đôi với đó là thúc đẩy mạnh mẽ, khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường hậu kiểm, quản lý theo chuỗi phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới.
Về phía người tiêu dùng cần “tỉnh táo” khi lựa chọn thực phẩm trong ngày Tết, tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát, hàng trôi nổi…; đồng thời cộng đồng trách nhiệm trong phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở, cá nhân để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Có như vậy, thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh mới “không còn đất sống” và khi ấy, mọi người, mọi nhà sẽ đón Tết trong niềm vui trọn vẹn.