Sau một tháng ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm Tết: Có chuyển biến nhưng không chủ quan

Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 20/01/2020

(HNM) - Sau một tháng các cơ quan chức năng của Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ý thức của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Song, cơ quan chức năng cũng không thể chủ quan, bởi đây là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động nhất trong năm, nguồn hàng từ khắp nơi đổ về luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Để kiểm soát được an toàn thực phẩm, cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa.

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cao điểm Tết Nguyên đán tiếp tục được duy trì từ nay đến ngày 25-3-2020. Ảnh: Trần Việt

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong 1 tháng ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2020 (từ ngày 15-12-2019 đến ngày 15-1-2020), toàn thành phố đã thành lập hơn 1.100 đoàn thanh tra, kiểm tra và số cơ sở được thanh tra, kiểm tra lên đến gần 5.000 đơn vị. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 600 cơ sở, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. 

Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, năm nay, nhờ việc mở rộng lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn từ tháng 7-2019, nên các địa phương đã chủ động hơn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết. Chưa năm nào, số lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm lại đông đảo như dịp Tết năm nay. Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tăng lên; số cơ sở bị xử phạt và số tiền xử phạt vi phạm cũng nhiều hơn. Đáng chú ý, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chuyển biến tích cực. Các sản phẩm được chú trọng về chất lượng, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc...

Tuy nhiên, càng cận Tết, nguồn thực phẩm từ các tỉnh đổ về thành phố càng nhiều, kéo theo đó, tình hình mất an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp nên không thể chủ quan. Dịp Tết năm nay, riêng Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và phối hợp kiểm tra 355 vụ vi phạm, chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ; tạm giữ 25 tấn đùi gà hun khói, trong đó có 12 tấn đã hết hạn sử dụng; 30 tấn bánh kẹo, ô mai, hoa quả sấy...

Còn tại quận Long Biên, từ ngày 15-12-2019 đến ngày 10-1-2020, toàn quận đã thanh tra, kiểm tra 232 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 21 cơ sở với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng và tiêu hủy một lượng lớn thịt bò đông lạnh đã quá hạn sử dụng. Theo Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt, vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, chưa duy trì thường xuyên các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. "Đặc biệt, công tác kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường gặp khó khăn do nhiều quầy kinh doanh mang tính thời vụ, chỉ phục vụ dịp Tết, không có địa điểm cố định", bà Lương Thị Minh Nguyệt nói.

Tương tự, tại quận Tây Hồ, từ ngày 15-12-2019 đến ngày 13-1-2020, toàn quận đã thanh tra, kiểm tra gần 250 cơ sở, xử lý vi phạm 25 cơ sở với số tiền hơn 65 triệu đồng. Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho hay, các đoàn thanh tra, kiểm tra gặp không ít khó khăn khi kiểm tra tại các chợ tự phát, điểm bán thực phẩm nhỏ, lẻ ở vỉa hè, lề đường… Bởi, những điểm kinh doanh này không bị ràng buộc về thủ tục pháp lý hay uy tín trong kinh doanh.

Theo bà Hà Thu Hương, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc quản lý các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cũng đang có sự khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vẫn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lẻ để theo dõi quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Nhưng Sở Công Thương lại chưa thực hiện, nên khi kiểm tra, việc truy xuất nguồn gốc còn lúng túng…

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một nhà hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện Mỹ Đức trong dịp Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Thiện Tâm

Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành; người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Từ nay đến ngày 25-3-2020, các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố, các đoàn thanh tra chuyên ngành, liên ngành cấp huyện và cấp xã tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh tại chợ, siêu thị...

Hiện các quy định về quản lý an toàn thực phẩm đã khá đầy đủ, "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm", song Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho rằng, bên cạnh Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, từ chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đến cán bộ thanh tra đều nắm rõ được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn còn tồn tại gì. Do đó, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, sản xuất thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thì ngoài người kinh doanh, sản xuất trực tiếp, cả chính quyền cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, do tâm lý tích trữ dịp Tết, nhiều gia đình đã mua thực phẩm “chất đầy tủ lạnh” nhưng không để ý đến nguồn gốc, hạn sử dụng nên có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, mọi người cần “tỉnh táo” trong lựa chọn, chú ý tem nhãn nguồn gốc, hạn sử dụng; chọn cơ sở kinh doanh uy tín, tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát, hàng trôi nổi. "Đó là cách để mỗi người cùng góp phần triệt tiêu hàng giả, hàng kém chất lượng... và bảo đảm sức khỏe cho gia đình trong ngày Tết", ông Trần Ngọc Tụ nói.

Thu Trang