Bài 6: Khẳng định vị thế qua 15 năm tạo dựng Nhà nước công nông

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 20/01/2020

(HNM) - 15 năm đầu tiên kể từ ngày thành lập (1930-1945), Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 10-1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương) đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ba cao trào cách mạng, mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Với những đóng góp to lớn ấy, Đảng ta đã khẳng định vị thế vững chắc trong trái tim đồng bào, tạc vào lịch sử những dòng chữ vàng về vai trò lãnh đạo cách mạng.

1. Ngay trong hội nghị thành lập năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đây là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, là cơ sở chỉ đạo đối với toàn bộ quá trình cách mạng, nhất là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Khẩn trương xây dựng tổ chức, hình thành chủ trương, đường lối, Đảng đã bám sát tình hình và bắt tay ngay vào lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong 15 năm kể từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã cho thấy, tuy là một đảng cách mạng non trẻ, nhưng vô cùng bản lĩnh, trí tuệ, giàu sức chiến đấu và nhạy bén với thời cuộc.

Trước tiên là cao trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã làm rung chuyển chế độ thực dân Pháp và tay sai. Lần đầu tiên công nhân và nông dân liên minh đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Quần chúng cách mạng đã vùng dậy trừng trị bọn cường hào, phản động tay sai thân thực dân Pháp, thành lập chính quyền cách mạng ở một số nơi theo hình thức Xô Viết. Mặc dù chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai, nhưng phong trào này đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một chế độ công - nông chưa có trong lịch sử dân tộc.

Cao trào cách mạng 1930-1931 và đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định rõ vai trò, vị trí lãnh đạo, đặc biệt là năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng trong lòng quần chúng nhân dân. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng giúp Đảng tập hợp lực lượng, chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh trong giai đoạn tiếp theo.

Vượt qua nhiều khó khăn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I diễn ra từ ngày 27 đến 31-3-1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) đã vạch ra đường lối mới cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Trong cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939), tháng 7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và chống phong kiến; nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Đặc biệt, tại hội nghị, Đảng đã có chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương.

Trong những năm tiếp theo, Đảng ta tiếp tục hoàn thiện đường lối này. Đây là cơ sở giúp cho cuộc đấu tranh trong giai đoạn này của cách mạng Việt Nam đạt nhiều kết quả; nổi bật là buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ. Từ các cuộc đấu tranh quy mô lớn trên khắp cả nước, Đảng đã giác ngộ đông đảo quần chúng nhân dân, đưa nhân dân trở thành lực lượng hùng hậu của cách mạng. Kết quả này càng củng cố thêm tiềm năng, tiềm lực của lực lượng cách mạng, nhất là năng lực lãnh đạo của Đảng.

2. Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945) đã đưa Đảng ta, dân tộc ta tới vị thế của người chiến thắng. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ, tạo thành những cơn thác lũ cuốn phăng sự thống trị của thực dân, phong kiến. Trong giai đoạn này, vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng được thể hiện sinh động và rực rỡ, nhất là sự nhạy bén và quyết đoán trong những thời khắc lịch sử để giành lợi thế và thắng lợi về cho dân tộc. Trong đó phải kể đến Hội nghị lần thứ tám (từ ngày 10 đến 19-5-1941) họp tại khu rừng Pác Pó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trung ương Đảng đã quyết định chuyển hướng chiến lược đấu tranh cách mạng với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, ra lời kêu gọi đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước đứng lên, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng khởi nghĩa giành độc lập khi thời cơ đến.

Tháng 7-1945, sau khi phát xít Đức, Ý bại trận, phát xít Nhật chuẩn bị đầu hàng, Đảng đã sáng suốt nhận định thời cơ cách mạng đang đến gần. Bác Hồ kính yêu của chúng ta khi ấy đã khẳng định quyết tâm giành độc lập, đồng thời toát lên toàn bộ tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng bằng câu nói đã thành huyền thoại: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên tự do, độc lập cho dân tộc.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân và lật đổ chế độ phong kiến, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân Việt Nam đã tạo dựng nên một quốc gia độc lập và Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Với thực tiễn 15 năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Đảng Cộng sản Đông Dương đã đặt ra và giải quyết thành công nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ cơ bản trong đường lối chiến lược và sách lược, bảo đảm cho phong trào cách mạng phát triển đúng hướng, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc. Trong đó, Đảng đã giải quyết hiệu quả quan hệ giữa Đảng và nhân dân, giữa xây dựng Đảng và xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng của quần chúng; quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; giữa phát huy sức mạnh bên trong với tranh thủ những điều kiện, thời cơ thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại; quan hệ giữa chủ động chớp thời cơ và đẩy lùi nguy cơ, tổ chức và sử dụng các lực lượng cách mạng…

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

(Còn nữa)

Tiến sĩ Phan Đăng Khoa