Hội nghị quốc tế về hòa bình Libya: Khởi đầu quan trọng

Thế giới - Ngày đăng : 08:26, 21/01/2020

(HNM) - Với mục tiêu chính là tận dụng ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực nhằm chấm dứt sự can thiệp vào cuộc chiến thông qua việc cung cấp vũ khí, quân đội và tài chính, Hội nghị quốc tế về hòa bình Libya diễn ra tại thủ đô Berlin (Đức) dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã kết thúc tối 19-1 sau một ngày thảo luận.

Hội nghị quốc tế về hòa bình Libya sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm giải quyết xung đột tại đất nước này.

Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các bên tham gia cuộc gặp đã đàm phán một cách hợp tác, nghiêm túc và kết quả đạt được tại hội nghị đã góp phần quan trọng vào nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho Libya. Nhà lãnh đạo Đức cũng nêu rõ sự kiện tại Berlin không thể giải quyết ngay mọi vấn đề ở quốc gia Bắc Phi, song nhận định đây là bước đầu tiên hướng tới hòa bình khi giúp tạo lập quyết tâm của các bên.

Với việc cùng đặt bút ký vào tuyên bố kết thúc hội nghị, tất cả các bên tham gia gồm Tổng thống các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, đại diện Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi, Liên đoàn Arab, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chính phủ Đoàn kết dân tộc ở Libya (GNA) và Quân đội quốc gia Libya (LNA) đã nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện để giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi. Đại diện các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng thống nhất duy trì lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc cũng như chấm dứt hỗ trợ về quân sự cho các bên xung đột ở Libya. Bên cạnh đó, việc giám sát lệnh cấm vận vũ khí ở nước này cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Kết quả hội nghị lần này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Libya đang trong tình trạng chia rẽ chính trị, leo thang bạo lực kể từ sau cuộc chính biến năm 2011. Tại quốc gia Bắc Phi hiện tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA do ông Fayez al-Sarraj đứng đầu ở Tripoli, được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ. Ở miền Đông, tướng Khalifa Haftar đứng đầu lực lượng LNA được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hỗ trợ, trong khi Mỹ, Nga và Pháp đều ủng hộ về chính trị. Sau khi tấn công thủ đô Tripoli vào tháng 4-2019, quân đội của tướng K.Haftar đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya trong khi GNA chỉ kiểm soát một phần nhỏ. 

Tình hình Libya cũng trở nên phức tạp hơn do sự can thiệp của bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân đến Libya hỗ trợ GNA. Lực lượng của tướng K.Haftar cũng nhận được sự hỗ trợ về quân sự từ những lực lượng ủng hộ. Trong khi đó, nội bộ EU cũng chia rẽ về vấn đề Libya khi Pháp công khai hậu thuẫn tướng K.Haftar, còn Italia lại gần gũi với GNA.

Thực tế đó cho thấy, việc các bên liên quan tìm được tiếng nói chung có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Vì vậy, tại hội nghị lần này, Thủ tướng Đức A.Merkel cùng Ngoại trưởng Heiko Maas đã có cuộc gặp riêng rẽ với hai bên xung đột chính ở Libya. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã hội đàm trực tiếp. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh ý nghĩa của việc duy trì lệnh ngừng bắn ở Libya, đồng thời kêu gọi các bên xung đột ở quốc gia Bắc Phi duy trì thỏa thuận này.

Về phần mình, sau cuộc gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi thực thi cơ chế giám sát ngừng bắn hiệu quả, đồng thời cho rằng Liên hợp quốc cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình chính trị ở Libya và chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc nội chiến ở quốc gia này.

Tuy nhiên, hội nghị đã không tổ chức được cuộc đối thoại quan trọng giữa đại diện hai bên xung đột chính ở Libya là lãnh đạo GNA, ông F.Al-Sarraj và người đứng đầu LNA, tướng K.Haftar. Như vậy, trở ngại còn không ít khi hai lực lượng đối đầu trực tiếp còn nhiều khác biệt và rất cần những nỗ lực từ cộng đồng quốc tế để lập lại hòa bình tại quốc gia Bắc Phi.

Hoàng Linh