Bài 7: Vững vàng đưa đất nước chiến thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:29, 21/01/2020

(HNM) - Trong thế kỷ XX, Việt Nam phải đương đầu với hai lực lượng xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và đấu tranh cách mạng, quân dân Việt Nam đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, giành thắng lợi từng bước đến giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

1. Ngay từ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), trong đó nhấn mạnh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Tiếp đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”. Để giải thích và phát triển đường lối kháng chiến của Đảng, trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, Tổng Bí thư Trường Chinh vạch rõ kẻ thù chính của nhân dân ta là thực dân Pháp xâm lược; mục đích của kháng chiến là giành độc lập và thống nhất; đường lối chung chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến là “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”.

Thực hiện đường lối kháng chiến đó, quân dân Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi, khiến thực dân Pháp thất bại thảm hại, đặc biệt là trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947. Trong chiến dịch này, thực hiện Chỉ thị “Phá tan cuộc hành quân mùa Đông của giặc Pháp” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (15-10-1947), Việt Bắc đã trở thành “mồ chôn” binh lính Pháp với những địa danh đi vào lịch sử như chiến thắng Bình Ca, Thất Khê, Bông Lau…

Sau chiến thắng Việt Bắc, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, Hội nghị Trung ương mở rộng họp từ ngày 15 đến 17-1-1948 đã đề ra những nhiệm vụ lớn nhằm đẩy mạnh việc phá hoại âm mưu về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa của thực dân Pháp. Tiếp đó, từ ngày 14 đến 18-1-1949, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu đã quyết định phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc kháng chiến về mọi mặt…

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 28-8-1949, Đại đoàn 308 - đơn vị chủ lực đầu tiên được thành lập, tiếp đó là sự phát triển mọi mặt của lực lượng vũ trang. Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến lên một bước mới, tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Theo đó, ngày 16-9-1950, Chiến dịch Biên giới mở màn ở cứ điểm Đông Khê. Sau gần một tháng tiến công, bao vây, truy kích và diệt viện binh, Chiến dịch Biên giới toàn thắng, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và nối liền với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới ra đời. Từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, thống nhất lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Phát huy thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, trong hai năm 1952 và 1953, quân dân ta tổ chức Chiến dịch Tây Bắc (tháng 10-1952 đến tháng 12-1952) và Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 và tháng 5-1953) thắng lợi, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến. Trước tình hình đó, giữa năm 1953, H.Navarre được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đã vạch ra kế hoạch quân sự toàn diện, có hệ thống nhằm giành lại quyền chủ động trên chiến trường, hy vọng trong 18 tháng sẽ “chuyển bại thành thắng”.

Nhằm phá kế hoạch Nava, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954; nêu ra các nguyên tắc về chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là: “Chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”. Trong năm 1953-1954, quân dân Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt, với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954), chúng ta đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp.

2. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong Hội nghị Trung ương lần thứ mười ba (tháng 12-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Ta đang đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng - cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tháng 9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã vạch ra đường lối mới cho cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đã vượt qua nhiều khó khăn, ra sức phát triển kinh tế - xã hội; trực tiếp đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; đồng thời, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng”, quân dân miền Bắc đã làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Về phía đế quốc Mỹ, sau thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam, từ năm 1961 đến năm 1973, chúng liên tiếp tiến hành các chiến lược chiến tranh: Chiến tranh đặc biệt (1961-1965), Chiến tranh cục bộ (1965-1968) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973) ở miền Nam Việt Nam. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tháng 1-1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ trước đây để trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam, đẩy mạnh xây dựng lực lượng cả quân sự lẫn chính trị trên cả ba vùng chiến lược.

Tháng 9-1964, Bộ Chính trị cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và một số tướng lĩnh cao cấp vào tăng cường chỉ đạo cách mạng miền Nam. Tháng 3-1965, Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: Ra sức tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng của cả nước giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong thời gian tương đối ngắn… Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ mười bốn họp, thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị thực hiện “Tổng công kích” - “Tổng khởi nghĩa” để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tháng 6-1970, Bộ Chính trị ra Nghị quyết “Về tình hình mới trên bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ mới của chúng ta”, nêu rõ: Huy động sức mạnh cả nước tiến hành tiến công, phản công đánh Mỹ và tay sai trên toàn Đông Dương… Thực hiện những chủ trương đó, quân dân ta đã giành nhiều thắng lợi vang dội, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tháng 7-1973, Hội nghị lần thứ hai mươi mốt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III ra Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”. Thực hiện nghị quyết này, cả miền Nam và miền Bắc đều thi đua chiến đấu và lao động sản xuất với tinh thần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi. Chiến công này được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Như vậy, trong những năm 1945-1975, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nhân dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là những chiến công chói lọi trong “pho sử bằng vàng” của Đảng. Đồng thời, từ thực tiễn lãnh đạo đất nước đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược, Đảng đã để lại nhiều bài học lịch sử quý báu, như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: “Bài học kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến tranh 30 năm có ý nghĩa thực tiễn lớn lao và có giá trị lâu dài đối với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng và đối với kế sách dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay”.

(Còn nữa)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáu