Chẳng dễ phôi phai…
Văn hóa - Ngày đăng : 10:09, 22/01/2020
1. Nhà báo Phạm Phú Bằng khi viết về họa sĩ Đặng Thị Khuê có nhắc tới câu chuyện vô cùng xúc động giữa bà với họa sĩ Nguyễn Sáng. Khi là Trưởng ban Sáng tác của Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Sáng, họa sĩ Đặng Thị Khuê đã huy động khá nhiều người khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm mượn tác phẩm của ông vì lúc ấy Nguyễn Sáng chỉ còn duy nhất bức vẽ. Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, họa sĩ Nguyễn Sáng rủ mọi người ra quán Thủy Hử, lúc ấy Đặng Thị Khuê vui vẻ nói: “Anh yên tâm nhé, tất cả đã xong, chỉ còn khai mạc nữa thôi”. Không ngờ họa sĩ Nguyễn Sáng lặng đi: “Chưa đâu, chưa đâu em. Lúc khai mạc anh muốn có người phụ nữ mặc áo dài đứng cạnh anh, vậy em nhớ mặc cho anh chiếc áo dài và đứng bên anh hôm đó nhé”...
Không nỡ từ chối một người đã trải nhiều “sóng gió” trong cả tình duyên lẫn sự nghiệp, nhưng thâm tâm Đặng Thị Khuê chỉ muốn họa sĩ Nguyễn Sáng quên đi lời đề nghị đó. Vậy nhưng, trước giờ khai mạc, dù đến muộn hơn, bà vẫn nghe giọng hớt hải: “Khuê đâu, Khuê đâu?”. Chẳng còn cách nào khác, Đặng Thị Khuê đành lẳng lặng đi vào phòng thay đồ. “Bộ áo dài đã để sẵn trong túi, tôi chỉ mặc vào rồi bước ra mà mặt mày nóng ran, chẳng dám nhìn ai, cố “dũng cảm” trước hàng trăm ánh mắt đổ dồn. Bước vào phòng triển lãm, thấy tôi, anh Sáng lại gần rồi dõng dạc tuyên bố khai mạc. Sự mạnh mẽ của anh khiến tôi yên tâm và thấy mình nhỏ bé. Thú thực là sau đó, tôi không nhớ mình đã gặp ai và nói chuyện thế nào, chỉ mang máng nhớ ánh mắt nheo nheo của nhà văn Nguyễn Tuân nhìn tôi cười khi ông đứng trước bức chân dung do Nguyễn Sáng vẽ mình. Còn họa sĩ Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái thì lẳng lặng cùng đến khoác tay tôi với nét mặt tươi rói. Nhìn ra, anh Sáng đứng giữa phòng với chiếc sơ mi trắng ngắn cũn cỡn, cũng chẳng nói gì nhưng vẻ mặt thật rạng rỡ” - họa sĩ Đặng Thị Khuê nhớ lại.
Tôi đem niềm băn khoăn hỏi họa sĩ Đặng Thị Khuê rằng bà có biết vì sao họa sĩ Nguyễn Sáng lại muốn bà mặc chiếc áo dài và đứng cạnh mình hôm ấy. Giọng bà như trầm lại: “Cho đến tận bây giờ tôi cũng không biết lý do, nhưng tôi có phần mường tượng ra. Anh Sáng quê ở miền Nam, ra Bắc, sống nhờ đất Bắc. Anh từng nói “không có Hà Nội thì cũng sẽ không có Nguyễn Sáng”. Vợ anh mất khi hai người chỉ kịp sống với nhau chưa trọn 1 năm. Sau triển lãm, anh Sáng vào Nam sống, và chiếc áo dài phải chăng cũng là niềm lưu luyến với đất Bắc, với Hà Nội, với người vợ đã khuất của mình”.
Chiếc áo dài trắng có in hình chữ triện nửa đỏ nửa đen họa sĩ Đặng Thị Khuê mặc năm ấy đã trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ với họa sĩ Nguyễn Sáng và cũng đã được ông kể lại nhiều lần với những người bạn thân thiết sau đó. Đây cũng là lý do mà gần 20 năm sau, nhà báo Phạm Phú Bằng tìm đến họa sĩ Đặng Thị Khuê để hỏi cho tỏ tường về câu chuyện mà ông gọi tên là: Cái buổi chiều tà ấm áp.
Năm 2014, trong triển lãm cá nhân Nhận diện và kết nối của họa sĩ Đặng Thị Khuê tổ chức tại chính nơi 30 năm trước đã diễn ra triển lãm của Nguyễn Sáng, chiếc áo dài xưa lại xuất hiện một lần nữa, chỉ khác là người mặc chiếc áo ấy là con gái của nữ họa sĩ. Họa sĩ Đặng Thị Khuê bảo rằng chiếc áo dài ấy khiến bà linh cảm như họa sĩ Nguyễn Sáng đang hiện diện đâu đó bên mình.
2. Đối với nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến - con gái của ông chủ bút tạp chí Tri Tân Nguyễn Tường Phượng thì ngôi biệt thự số 21 Gambetta, nay là phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội đã gắn bó với gia đình bà suốt hơn nửa thế kỷ, luôn là những ký ức không thể nào quên.
Nhớ về tuổi thơ hạnh phúc bên mẹ cha, bà tự hào nhắc đến người mẹ của mình - một phụ nữ chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh”. “Mẹ tôi đẹp quý phái, sang trọng và rất đảm đang chu tất với gia đình. Bà dạy chúng tôi cẩn thận, kỹ càng từ cách nói năng, ăn uống đến cả chuyện mặc. Xưa, chỉ cần ra khỏi nhà, dù ra phố hay ra đầu ngõ bà đều mặc áo dài. Trang phục của mẹ luôn gọn gàng, nền nã toát lên vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Hà Nội. Bà thường chọn màu dịu như màu thiên thanh, hoàng yến vào mùa hè, hay mùa đông là những chiếc áo dạ màu nâu hoặc đen phù hợp lứa tuổi của mình. Khi chúng tôi còn nhỏ, bất kể mùa nào mẹ thường chuẩn bị cho chúng tôi quần áo mặc đi học từ hôm trước rồi xếp trên chiếc ghế trong phòng. Quần áo được xếp ngay ngắn, theo thứ tự, cái nào mặc ở ngoài thì xếp ở dưới, cái nào mặc ở trong thì xếp ở trên. Khi chúng tôi lớn hơn, bà để chúng tôi tự chuẩn bị quần áo cho mình, nhưng cái nếp quen ấy chúng tôi vẫn giữ” - bà Yến bộc bạch.
Giờ đã qua tuổi thất thập, mỗi lần nhớ tới nếp mặc của mẹ, những bài học mẹ dạy về cách ăn mặc thuở thiếu thời, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hải Yến càng thấm thía hơn câu nói của cổ nhân: “Y phục xứng kỳ đức”.
3. Trong ký ức của nhà báo Nguyễn Minh Hoa (Đài Truyền hình Việt Nam), hình ảnh bà nội với vành khăn vấn thơm thơm mùi trầu luôn in đậm trong tâm trí. Chị kể: “Bà nội tôi quê ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội). Bà vấn khăn từ thời trẻ. Sớm nào ngủ dậy bà cũng ra đầu hè chải tóc, vấn khăn. Khi tôi 6 tuổi thì tóc bà đã bạc trắng nhưng còn dài, chặt tay, chặt khăn. Khăn vấn hằng ngày của bà bằng vải thô, màu đen. Bà thường chải tóc bằng lược sừng, chải xong rồi cuộn tóc, cuộn khăn, rồi chải lại đuôi tóc. Cái khăn cuộn tròn, chắc dải tóc của bà. Bà cúi đầu, xoay một vòng khăn rồi ghim trâm lại, thế là có một vòng khăn tròn vạnh, gọn gàng trên đầu. Ngoài cái khăn vải thô bạc màu ấy ra, bà còn có khăn nhung the chỉ để dùng vào dịp Tết, hay lễ hội.
Cũng bởi nhớ khăn vấn của bà nên chị Hoa vẫn hay để ý hàng khăn vấn trên phố, và cả góc chợ quê mình. “Xưa, thường thì vào phiên chợ mới có người buôn bán khăn vấn. Có khi phải là phiên chợ cuối năm hay hội làng thì người nơi xa mới về chăng dây, bày bán. Người mua thường là phụ nữ tuổi trung niên. Họ thường ngắm trước rồi đưa cha mẹ ra chọn. Nhiều cụ được đưa ra tận nơi chọn áo, chọn khăn, vui lắm. Có khi thử áo, dỡ tóc vấn khăn mới luôn tại chợ. Khi đi chợ vấn khăn cũ nhưng khi về thì khăn cũ đã gập cất trong túi, cái khăn nhung mới đen nhánh được vấn trên đầu. Nhiều chị cẩn thận còn dặn mẹ: U cứ dùng hằng ngày nhé! Không phải chỉ dùng hết Tết là cất đi đâu, cứ cũ hay bạc là con lại sắm cho u cái mới”. Chị Hoa kể, cứ vào phiên chợ Tết hàng áo, hàng khăn vấn cũng tấp nập hơn nhiều. Có khi vừa bày hàng xong là các cụ đã đứng lần tiền, tần ngần chọn màu khăn vấn. Nhiều cụ bà chống gậy đi chơi chợ cả buổi cũng chỉ chọn cho cụ ông cái khăn xếp và cho mình cái khăn vấn mà thôi...
Họa sĩ Nguyễn Sáng, người mẹ hiền của nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hải Yến hay bà nội của nhà báo Nguyễn Minh Hoa giờ đã là người thiên cổ. Những câu chuyện về họ chỉ là một phần ký ức trong muôn vàn nhớ thương của những người ở lại. Nhắc nhớ lại mới thấy nét thanh lịch của người Hà Nội đã lắng sâu qua thời gian, qua mỗi con người..., chẳng dễ phôi phai.