Thúc đẩy phát triển bền vững
Nông nghiệp - Ngày đăng : 09:53, 22/01/2020
Giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm
Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Khắc Bút, hiện trên địa bàn xã đã có 500 hộ dân tham gia trồng 33ha rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ việc sản xuất đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và có 10 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu 50% tổng sản lượng rau của hợp tác xã. Hiện trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp 3,5 tấn rau sạch cho thị trường.
Trong khi đó, tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) hiện có hơn 200ha trồng rau, gồm củ cải, cà chua, cải ngồng... Trong đó có 134ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) Vũ Văn Kỳ cho biết, sản lượng và giá cả rau an toàn ổn định nên người dân đạt thu nhập 300-350 triệu đồng/ ha/năm. Ngoài việc sản xuất rau theo chuỗi, hiện có gần 50% sản lượng rau trên địa bàn xã được ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp.
Chia sẻ về việc sản xuất rau an toàn tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng thông tin: Hiện nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong... Nhìn chung, các mô hình sản xuất rau an toàn đang phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Đánh giá hiệu quả của đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố giai đoạn 2017-2020, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho hay, đến nay, diện tích sản xuất rau an toàn của Hà Nội là 5.044ha, sản lượng đạt gần 400 nghìn tấn/năm, giá trị sản xuất 300-500 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 10-20% so với rau sản xuất theo phương pháp truyền thống. Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi không chỉ mang lại giá trị cao cho người dân mà còn hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Các doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn hàng cung cấp cho đối tác, hạn chế rủi ro khi có biến động của thị trường.
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc duy trì, mở rộng diện tích rau an toàn ở Hà Nội cũng đang gặp một số khó khăn nhất định. Bà Trần Thị Hà, một hộ trồng rau ở xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) nêu thực tế, vẫn còn nhiều hộ dân trồng rau an toàn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Gia đình bà Hà hiện sản xuất được khoảng 2 tạ rau/ngày nhưng chỉ bán được một nửa cho doanh nghiệp với giá cao, còn lại phải mang ra chợ tiêu thụ như rau thường.
Cũng về việc này, Giám đốc chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm Trần Mạnh Chiến nhìn nhận: "Một bộ phận nông dân sản xuất rau an toàn còn chạy theo lợi nhuận, vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, không bảo đảm thời gian cách ly lần cuối trước khi thu hoạch theo quy định, gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, làm mất niềm tin với người tiêu dùng...".
Trước thực tế trên, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ổn định, bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng, cải tạo hồ tích thủy, xây dựng nhà tập kết, sơ chế... Huyện cũng hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hội chợ, đăng ký nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm để tạo lòng tin với người tiêu dùng... Huyện Gia Lâm đặt mục tiêu năm 2020 duy trì 380ha rau an toàn tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Lệ Chi, Yên Thường, Yên Viên; xây dựng 3-5 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thay thế nguồn thuốc bảo vệ thực vật hiện tại bằng thuốc sinh học; đồng thời kiểm soát vật tư nông nghiệp dùng trong sản xuất rau an toàn. Các địa phương cần chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ...
"Về lâu dài, các địa phương cần bố trí quỹ đất sạch, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Mặt khác, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu với thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng như: Chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ, bố trí điểm bán hàng...", ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Để các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn theo quy trình khép kín, thành phố đã hỗ trợ xây dựng 8 cơ sở sơ chế rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày; 42 cơ sở chế biến nhỏ của các hợp tác xã, doanh nghiệp với công suất 200-1.000kg/ngày.