VNPT duy trì kết quả ấn tượng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:01, 22/01/2020
Thay đổi mô hình tổ chức, phương thức kinh doanh
Theo ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, với định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, VNPT đã xây dựng tổ chức trên nguyên tắc phân lớp kinh doanh - hạ tầng - dịch vụ. Vì vậy, năm 2014 thay vì phân thành nhiều đơn vị chủ dịch vụ, VNPT đã thành lập 63 trung tâm kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố và 5 công ty nhằm tách bạch, chuyên biệt hóa hoạt động kinh doanh và kỹ thuật.
“Tập đoàn đã thay đổi cơ cấu lao động, tăng cường lao động cho kinh doanh từ 4.000 người lên gần 15.000 người. Trong đó việc thành lập Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT (VNPT - VinaPhone) đã phát triển hệ thống kênh bán hàng tập trung, thống nhất, xóa bỏ sự phụ thuộc vào đại lý, đồng thời đa dạng hóa các giao dịch với khách hàng...” - Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Đến năm 2018, với chiến lược chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, VNPT chính thức thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT, làm lực lượng nòng cốt thực hiện chiến lược phát triển dịch vụ số. Đến nay, VNPT là doanh nghiệp đi đầu, được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương tin tưởng lựa chọn cùng đồng hành trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Ông Phạm Đức Long cho biết, với phương châm “Chất lượng là số 1”, VNPT không ngừng mở rộng quy mô và năng lực hạ tầng mạng lưới. Hiện, VNPT có mạng di động 3G/4G rộng khắp đến 96% quy mô dân số; mạng băng rộng cố định có tốc độ internet số 1 Việt Nam; sở hữu hai trung tâm dữ liệu tại Nam Thăng Long (Hà Nội) và Tân Thuận (thành phố Hồ Chí Minh). VNPT tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ nội bộ và cho khách hàng, đặc biệt là khối khách hàng cơ quan nhà nước.
Dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nên trong thời gian qua, VNPT đã không ngừng đổi mới để trở thành một doanh nghiệp số. Đặc biệt, trong năm 2019, VNPT đã tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Nói thêm về triển khai dịch vụ số, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh, việc triển khai thành công Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia - hai thành tố quan trọng trong kiến tạo chính phủ điện tử đã thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ triển khai chính phủ điện tử.
Tham gia vào chuyển đổi số nền kinh tế, VNPT đóng góp nhiều ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong doanh nghiệp và thương mại điện tử. Các giải pháp về quản trị doanh nghiệp, kế toán, quản lý bán lẻ, vận tải,… trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây của VNPT đã thâm nhập trên 50% doanh nghiệp quy mô lớn nhỏ ở hầu hết các lĩnh vực, như nông nghiệp, y tế, giáo dục, bán lẻ,... mang lại những chuyển biến tích cực về kinh doanh và tối ưu các nguồn lực.
Đối với dịch vụ số cá nhân, VNPT đã đưa vào trên 50 dịch vụ mới thuộc các nhóm quảng cáo số, truyền hình trả tiền, tài chính số. Nguồn doanh thu mới phát sinh từ các dịch vụ trên bước đầu đã có kết quả ấn tượng. Số lượng khách hàng, tài khoản, số lượng giao dịch và doanh thu qua kênh VNPT Pay (ví điện tử) tăng trưởng liên tục ở mức cao và bắt đầu chuyển dịch kênh bán hàng nạp thẻ trực tuyến. VNPT đã hoàn thành đề án thí điểm dịch vụ Mobile Money (tiền điện tử trên di động) trình Ngân hàng Nhà nước để xin cấp phép triển khai dịch vụ…
Đến nay, VNPT đã có mô hình hoạt động tiên tiến, phù hợp với xu thế và tiêu chuẩn thế giới. VNPT đã từng bước khẳng định vị thế vững chắc là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin trọng yếu và trở thành một nhân tố không thể thiếu, tham gia dẫn dắt quá trình chuyển đổi số của đất nước.