Các không gian văn hóa tại quận Hoàn Kiếm đã thật sự phát huy lợi thế

Du lịch - Ngày đăng : 07:47, 23/01/2020

(HNNN) - Với địa thế trung tâm của Hà Nội, quận Hoàn Kiếm ý thức rõ lợi thế của mình khi sở hữu hệ thống di sản cùng không gian văn hóa sáng tạo quý báu - nền tảng của hệ sinh thái sáng tạo. Chính vì thế, quận Hoàn Kiếm luôn dành sự quan tâm đặc biệt để giữ gìn, bảo tồn, phát huy lợi thế hiện có, đem đến những không gian sáng tạo có giá trị thực tiễn, góp phần để Hà Nội - Thành phố sáng tạo, thành phố đáng sống - phát triển bền vững.

Phóng viên Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Lực, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm về vấn đề này.

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trở thành một thương hiệu, một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô. Ảnh: Thanh Hà

- Thưa ông, năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Sở hữu những không gian sáng tạo, hệ thống di sản văn hóa phong phú, quận Hoàn Kiếm đã phát huy những lợi thế này như thế nào?

- Là mảnh đất gắn với kinh thành Thăng Long xưa và trung tâm Thủ đô nay, quận Hoàn Kiếm tự hào là địa danh có những kiến trúc lâu đời với những giá trị kết tinh về văn hóa, lịch sử và du lịch của Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm quy tụ 190 điểm di tích lịch sử, văn hóa và di tích cách mạng - kháng chiến, trong đó tiêu biểu là hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn - di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia đặc biệt, trái tim Hà Nội; khu phố cổ Hà Nội - di tích lịch sử cấp quốc gia với những ngôi nhà truyền thống, phố nghề đặc trưng, hoạt động kinh doanh buôn bán đa dạng, náo nhiệt... Đến với Hà Nội, du khách trong và ngoài nước không thể không đến tham quan hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ bởi bề sâu văn hóa, bởi những tinh túy của Hà Nội đều quy tụ nơi đây. Với địa thế và cảnh quan đẹp, nơi đây cũng là địa điểm tổ chức những sự kiện lớn. Trên thực tế, trong 3 năm triển khai không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đã có 410 sự kiện văn hóa quy mô lớn được tổ chức tại đây, thu hút hàng triệu du khách. Đặc biệt, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Hà Nội với nhiều tỉnh, thành phố và bạn bè quốc tế.

Cùng với hồ Hoàn Kiếm và tuyến phố đi bộ phụ cận, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm còn có không gian nghệ thuật bích họa trên phố Phùng Hưng, không gian văn hóa đọc tại Phố sách Hà Nội... đã trở thành thương hiệu, là điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô, là không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước.

Chúng tôi hiểu, những không gian chứa đựng giá trị văn hóa lâu đời, quý báu và cả những không gian mới được kiến tạo nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là một phần trong hệ sinh thái sáng tạo của thành phố Hà Nội. Bởi thế, chúng tôi luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao giữ gìn và quan trọng hơn là nâng tầm, phát huy những giá trị văn hóa quý báu đó để người dân và du khách luôn tự hào về nơi đây, sẽ tìm đến và trở lại Hà Nội nhiều hơn. Hoàn Kiếm đã và luôn là địa điểm thu hút nhân tài, thu hút những người nghiên cứu, làm nghệ thuật, những người sáng tạo muốn thử nghiệm những cái mới. Hy vọng, những gì được trải nghiệm ở nơi đây sẽ đem đến không chỉ niềm vui, sự tự hào mà còn là năng lượng sống, là động lực khuyến khích mọi người cống hiến, sáng tạo nhiều hơn, năng động hơn, góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.

- Quận Hoàn Kiếm đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu và triển khai các giải pháp cụ thể nào để nâng tầm những không gian văn hóa hiện có, thưa ông?

- Trong số 410 sự kiện diễn ra tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận suốt 3 năm qua, có các sự kiện của 20 tỉnh, thành phố trong nước, 26 đại sứ quán và 3 tổ chức quốc tế thực hiện, trong đó có nhiều chương trình, sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận đánh giá cao như: Không gian văn hóa dân tộc Mông - Hà Giang tại Hà Nội; Quảng Bình trong lòng Hà Nội; hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa của tỉnh Điện Biên, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Lạng Sơn...; hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và Lễ hội hoa Anh đào tại Hà Nội; Ngày hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc; các sự kiện quảng bá văn hóa Pháp, Nga, Anh, Argentina, Bỉ, Pakistan... Những kết quả ấn tượng giúp khẳng định chủ trương đúng đắn của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, là cơ sở để quận Hoàn Kiếm tiếp tục đề ra những giải pháp mới, phù hợp nhằm phát huy lợi thế, thu được kết quả tốt hơn nữa.

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố Hà Nội, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và sự chung tay ủng hộ của nhân dân, thời gian qua quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu, triển khai công tác chỉnh trang, bảo tồn các không gian công cộng, phố nghề truyền thống, kiến trúc, cảnh quan... nhằm cải thiện môi trường, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội. UBND quận đã tập trung nghiên cứu, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống; xây dựng phương án quản lý và khai thác hiệu quả tuyến phố đi bộ. Những việc đáng chú ý khác là bổ sung hệ thống chiếu sáng trang trí đồng bộ với hệ thống chiếu sáng chung của khu vực; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, cây xanh...

Chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tồn tại liên quan tới tình trạng quá tải tại các điểm giao thông tĩnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các bãi xe tự phát, những nơi thu tiền dịch vụ cao hơn mức đã quy định; chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh việc xử lý tình trạng vứt rác trên hè phố, lòng đường; tăng số lượng nhà vệ sinh công cộng... Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai dự án đầu tư cải tạo nâng cấp, chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu thực hiện các dự án thành phần quanh hồ Hoàn Kiếm như tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, vườn hoa Lý Thái Tổ, tháp Hòa Phong...

- Ông có thể cho biết những đề xuất, kiến nghị để quận Hoàn Kiếm làm tốt việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo hiện có?

- Sau một thời gian đi vào hoạt động, các không gian văn hóa tại quận Hoàn Kiếm đã thật sự phát huy lợi thế, đem đến sự hứng khởi cho người dân và du khách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại không gian văn hóa này vẫn bộc lộ những hạn chế, cần có giải pháp khắc phục. Do mật độ dân số lớn, cơ sở hạ tầng chật hẹp, thiếu đồng bộ, lực lượng chức năng mỏng, ý thức của một bộ phận người dân và du khách còn hạn chế - thể hiện rõ nhất qua việc bán hàng rong, xả rác bừa bãi... nên việc quản lý không gian văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố phụ cận gặp nhiều khó khăn.

Để phát huy hơn nữa giá trị kho tàng di sản văn hóa, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sự chung tay một cách trách nhiệm của cộng đồng, sự tham gia hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan trong quá trình khảo sát, nghiên cứu và tiếp tục đề xuất, thực hiện các dự án chỉnh trang không gian công cộng. Chúng tôi mong các ngành chức năng sớm tham mưu để UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phê duyệt Đề án tổ chức lại Ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm; phương án tổ chức hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; nghiên cứu phương án tổ chức giao thông phù hợp; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; tăng cường xã hội hóa các hoạt động quảng bá du lịch...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà My