Nghề “mọn” ngày Tết
Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 23/01/2020
Nghề “mọn” Tết xưa
Dịp Tết ngày còn thiếu thốn, Hà Nội xuất hiện những nghề “mọn” rất lạ. Trong những cuốn sách viết về Hà Nội của mình, nhà văn Đỗ Phấn liệt kê hàng chục thứ nghề: Dán túi giấy thuê cho các cửa hàng bách hóa để đựng đường bán theo tiêu chuẩn; đơm khuy thùa khuyết thuê cho các hợp tác xã may mặc; gấp sách thuê cho các nhà in; gõ thẳng đinh cong cho các hợp tác xã đóng giày để họ sử dụng lại; quấn thuốc lá sợi Lạng Sơn... Dần dà, theo thời gian, những nghề ấy cũng mất dần, thay thế vào đó là nghề “mọn” hợp thời hơn.
Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, những ngày giáp Tết thường có bóng hình... ông mài dao kéo. Sau khi trong nhà đã tạm dọn xong những thứ cũ, “bà ve chai” quảy gánh bước đi cũng là lúc đón ông mài dao kéo. Tết là lúc các bà các chị cần con dao bén để làm cỗ, tỉa hoa nên nhà ít dùng cũng muốn thuê mài vài ba con, nhà đông nhân khẩu thì mài cả rổ. Hình ảnh bác phó mài cặm cụi liếc dao trên miếng đá mài được coi là một phần ký ức về Tết không thể nào quên của nhiều người Hà Nội. Thậm chí Hà Nội xưa từng có một phố chuyên mài dao kéo.
Các cụ già trên phố Nguyễn Khuyến (Sinh Từ cũ) kể lại, vì là phố nghề chuyên rèn dao kéo duy nhất ở Hà Nội nên thỉnh thoảng vẫn có người đem dao kéo đến nhờ mài. Lâu dần trở thành dịch vụ. Sự thịnh vượng của nghề mài dao kéo còn hút thêm cả lao động thời vụ trong dịp Tết. Người làng Đa Sĩ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) lúc nông nhàn cũng thường rủ nhau lên phố mài dao kéo kiếm thêm đồng ra đồng vào...
Còn một nghề “mọn” nữa mà nhiều người Hà Nội vẫn nhớ, đó là nghề quét vôi. Bà Nguyễn Ngọc Huyền ở 63 phố Thuốc Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể: “Gần Tết, quét vôi là nghề được nhiều người mượn nhất. Thành phố như được thay áo mới. Không chỉ quét vôi nhà cửa, thành phố Hà Nội còn quét vôi cả các công trình công cộng. Đền chùa miếu mạo cũng vậy. Những hàng cây cổ thụ ven đường được quét trắng phần gốc, đều tăm tắp. Cầu Thê Húc và những cây cột ở đền Ngọc Sơn cũng được sơn mới màu đỏ chói. Sắc màu quanh mặt nước tĩnh lặng đã làm nên ký ức lâu bền của người Hà Nội”.
Nghề thời vụ hút khách
Ngày nay, Tết vẫn là dịp để những nghề “mọn” mang tính thời vụ “lên ngôi”. Có một nghề tưởng chừng vô cùng đơn giản nhưng có thể kiếm bạc triệu đồng một ngày, đó là nghề trông nhà dịp Tết. Không quá vất vả nhưng trông nhà vào ngày Tết thuộc nhóm nghề thời vụ được trả lương cao, với mức giá trung bình từ 500.000 - 1.500.000 đồng/ngày.
Anh Đặng Quốc Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Hưng Thịnh Phát cho biết: “Dịp Tết, do nhu cầu về quê, đi thăm họ hàng, đi du lịch tăng cao nên dịch vụ trông nhà thuê rất đắt khách. Mức phí theo quy định hiện nay là 75.000 đồng/giờ, gia chủ có thể đăng ký trông nhà 24/24h hoặc trông theo giờ. Để bảo đảm an toàn về tài sản cho khách hàng, khi ký hợp đồng nhận việc, chúng tôi cùng gia chủ lập biên bản bàn giao tài sản có giá trị bằng văn bản và bằng hình ảnh. Đối với tài sản quý, chúng tôi tiến hành niêm phong và ký xác nhận; khi bàn giao, niêm phong phải còn nguyên vẹn”.
Bên cạnh đó, khi phong trào nuôi chó mèo đắt tiền đang trở thành thú chơi của những gia đình giàu có, việc đi du lịch sẽ khiến chủ nhân không yên tâm khi phải để thú cưng ở nhà. Thế là dịch vụ trông thú cưng trong dịp Tết ra đời. Chị Thanh Hương, chủ cửa hàng Pet Love (Giảng Võ) - một địa chỉ nhận trông chó mèo dịp Tết, cho biết: “Những ngày Tết dương lịch, âm lịch, phía cung cấp dịch vụ thường lâm vào cảnh quá tải. Nhiều khách thậm chí đặt phòng trước hẳn 1 tháng để giữ chỗ cho chó, mèo của mình. Giá trung bình một ngày khoảng 200.000 - 300.000 đồng (tăng 50.000 đồng so với ngày thường). Tại Pet Love, dù có ở xa thì chủ nhân vẫn có thể theo dõi hình ảnh, video về thú cưng của mình vì các clip liên tục được chúng tôi cập nhật”.
Nhiều người quan niệm rằng, nếu có người hợp tuổi đến nhà xông đất đầu năm thì cả năm đó sẽ gặp nhiều may mắn. Bởi vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, độc đáo hơn cả có lẽ là dịch vụ cho thuê người xông đất. Muốn có người xông đất mặc quần áo thần tài kèm phong bao đỏ cho gia chủ, khách hàng có thể phải chi 1 - 1,5 triệu đồng. Với những nơi muốn thuê cả nhóm múa lân, rồng và ba ông Phúc - Lộc - Thọ xông đất, mức giá có thể lên tới 10 triệu đồng.
Với nghề “mọn” ngày Tết, có “tuổi” cao có lẽ là nghề đánh bóng lư đồng. Chị Hoa, nhân viên tại cửa hàng Cường Thúy (phố Hàng Đồng) cho biết: “Tuy không trưng biển nhưng nhiều nhà trên phố vẫn nhận đánh bóng đồ đồng. Tùy kích cỡ và độ khó mà giá cả khác nhau. Làm nghề này phải có uy tín và có tay nghề cao, vì không ai giao bộ lư đồng quý giá do tổ tiên để lại cho người lạ hoặc người mới làm nghề. Thêm vào đó, làm nghề này phải có cái tâm, phải làm thật kỹ chứ không được qua loa cho xong bởi đây là đồ thờ cúng. Lo nhất là vào thời gian cao điểm, nếu không ngăn nắp thì rất dễ nhầm đồ của khách”...
Nghề đánh bóng đồ đồng nay đã được máy móc hỗ trợ nhiều. Phố Hàng Đồng giờ chỉ còn vài nhà Tết đến mang đồ nghề ra làm dịch vụ đánh bóng đồ đồng cho đỡ nhớ nghề. Người mài dao kéo đã đủng đỉnh hơn trước rất nhiều dù đồ nghề vẫn “nguyên thủy” như thuở ban đầu... Nhưng, bền bỉ qua thời gian, điều đáng chú ý là Hà Nội thời hiện đại vẫn có chỗ cho vài nghề “mọn” mà từ đó luôn phảng phất ý niệm về một thời “phố xưa, nghề cũ”. Với những người yêu Hà Nội, mong được trở lại với ký ức về một thời chưa xa, những nghề “mọn” đó như tiếng vọng của quá khứ gói trọn những năm tháng vất vả nhưng đong đầy kỷ niệm.