Chuyện về bức tranh thêu Bác Hồ tặng ân nhân
Văn hóa - Ngày đăng : 07:53, 23/01/2020
Từ hành trình của bức tranh thêu...
Ngày 6-6-1931, Tống Văn Sơ - tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian này - bị nhà cầm quyền Anh bắt ở nhà số 186 đường Tam Kung, Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc). Nhà đương cục Hồng Kông giam Tống Văn Sơ tại nhà ngục Victoria - tên một Nữ hoàng Anh nổi tiếng đã trị vì nước Anh 64 năm (1837-1901).
Được tin nhà đương cục Anh bắt được Tống Văn Sơ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương tiến hành cuộc vận động ngoại giao rầm rộ, nhằm yêu cầu người Anh cho dẫn độ Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc) về Việt Nam để xử theo bản án tử hình mà Tòa án Nam triều đã tuyên từ năm 1928 tại Vinh, hoặc ít nhất nếu không dẫn độ được thì Chính phủ Pháp sẽ trả cho Chính phủ Anh một khoản tiền lớn, để người Anh giam giữ Nguyễn Ái Quốc tại một thuộc địa xa xôi nào đó của Anh.
Tuy nhiên, sự cấu kết, mặc cả của chính quyền thực dân Pháp với Chính phủ Anh cuối cùng vẫn thất bại. Nguyên nhân thất bại có nhiều, song tựu trung có 3 lý do chính đã làm phá sản các mưu ma, chước quỷ đó. Trước hết, về bản chất, Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc không có tội. Thực dân Pháp có thể cố tình kết tội Nguyễn Ái Quốc, vì Người đã tiến hành cuộc vận động chống xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Thế nhưng với người Anh, họ không thể quy kết Nguyễn Ái Quốc đã phạm tội gì theo luật pháp Anh. Thứ hai, ngay từ khi bị bắt, Tống Văn Sơ đã tự đấu tranh để bảo vệ mình. Thứ ba, không thể không kể tới công lao to lớn của luật sư Francis Henry Loseby và các cộng sự tài năng của ông trong Công ty Luật RUSS & CO.
Luật sư Francis Henry Loseby sinh năm 1883 trong một gia đình có truyền thống về luật, tại vùng Leicestershire, nước Anh. Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông làm luật sư cho quân đội Anh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Năm 1926, ông sang Hồng Kông làm việc tại Văn phòng luật sư mang tên: “RUSS & CO”. Ông mua lại văn phòng này năm 1928.
Chúng ta biết rằng, như mọi công ty luật khác, Công ty Luật RUSS & CO nhận tiền thù lao từ các thân chủ để bảo vệ quyền lợi cho họ. Nhưng với Tống Văn Sơ, luật sư Loseby đã vượt qua quan hệ thông thường đó. Đúng như sau này ông kể lại trong chuyến thăm Việt Nam năm 1960: “Sau 30 phút gặp gỡ, Người đã hoàn toàn chinh phục tôi. Ở Người toát ra một sức mạnh cảm hóa rất kỳ diệu” (1. Hồi ký của ông bà Loseby. Lưu trữ Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Từ sự kính trọng, ngưỡng mộ Tống Văn Sơ, Loseby và các cộng sự đã viện dẫn tất cả những điều có thể khai thác trong luật pháp Anh để bảo vệ thân chủ Tống Văn Sơ, rồi buộc Tòa án Hồng Kông phải tuyên ông vô tội, sau 9 phiên tòa xét xử, thậm chí phải kháng án lên tới Hội đồng Cơ mật nhà vua tại Luân Đôn. Mùa xuân năm 1933, đích thân luật sư Loseby đã tổ chức đưa Tống Văn Sơ rời Hồng Kông, bằng việc dùng ca nô riêng của Thống đốc Hồng Kông đón đường con tàu thương mại từ Hồng Kông chạy vào Phúc Kiến.
... đến tình cảm dành cho Bác Hồ
Sau 26 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh và người ân nhân của mình - luật sư Loseby không hề có tin tức của nhau. Một ngày gần lễ Giáng sinh năm 1959, vợ chồng luật sư Loseby nhận được món quà bức tranh thêu “Chùa Một Cột” của người tù năm xưa được luật sư bảo vệ, nay là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi tặng, do Tổng lãnh sự Việt Nam ở Hồng Kông đem lại. Tranh được thêu bằng tay, bởi một nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm ở Hà Nội.
Năm 1960, nhớ ơn gia đình Loseby, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông bà cùng con gái sang thăm Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán. Người thân chinh ra sân bay đón gia đình luật sư và sắp xếp thời gian để đưa gia đình luật sư đi thăm một số công trình kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Tại cuộc mít tinh chào mừng luật sư ở Hội trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng lên bục giảng với luật sư. Người cầm tay luật sư giơ cao, trân trọng giới thiệu: “Đây là ân nhân cứu mạng của Bác”. Để đáp lại, luật sư Loseby khiêm tốn nói: “Hồi ấy khi nhận lời bảo vệ Ngài, tôi chỉ nghĩ rằng đó là một việc tốt nên làm, chứ không dám nghĩ là ân nhân của nhân dân Việt Nam”.
Luật sư treo bức tranh đó ở phòng khách của gia đình tại Hồng Kông và thường trân trọng giới thiệu với khách thăm về tặng phẩm yêu mến này. Nhưng rồi theo quy luật, luật sư và phu nhân lần lượt qua đời. Bức tranh được người con gái duy nhất của ông bà là Patricia thừa kế. Chị Patricia khi một tuổi đã được Bác Hồ bế, chị cũng cùng ba mẹ sang thăm Việt Nam năm 1960 theo lời mời của Bác Hồ, nên từ sâu thẳm chị luôn kính yêu vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam và treo bức tranh đó ở phòng khách.
Mải mê làm việc, chị Patricia không lập gia đình, cũng không có con cái. Chị qua đời tháng 1-2001. Trước khi mất, chị đề nghị người thân thay mặt gia đình trao lại bức tranh thêu "Chùa Một Cột" cho nhân dân Việt Nam.
Thực hiện di nguyện của người đã khuất, qua đường ngoại giao, qua những người bạn yêu mến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh... cuối năm 2001, ông Paul Tagg là cháu ngoại của gia đình Loseby (mẹ ông gọi luật sư Loseby bằng chú ruột) đã đề nghị trao lại kỷ vật trên cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Paul Tagg trực tiếp đến làm việc với Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã tìm hãng bảo hiểm có uy tín và gửi bức tranh qua đường hàng không. Ngày 21-1-2002, bức tranh đã được gửi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngày 22-5-2005, tại Phòng Khánh tiết của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng đã tổ chức trang trọng lễ đón nhận hiện vật có ý nghĩa đặc biệt này. Khi trao tranh cho Giám đốc Bảo tàng, ông Paul Tagg tâm sự: “Tôi biết bức tranh này khi chuyển đến làm việc ở Hồng Kông năm 1987. Nay tôi rất vinh hạnh được cô tôi ủy thác việc trao lại bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ vì cô đã suy nghĩ là không đâu có thể làm tốt hơn nơi này sau khi mất. Tôi coi đây là một trách nhiệm rất lớn lao. Tôi mong sao nhiều người được chiêm ngưỡng và biết rõ tình bạn cao quý giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và luật sư Loseby khi đến thăm Bảo tàng mang tên Người".
Sau khi tiếp nhận, bức tranh đã được đưa ra triển lãm nhiều lần và hiện đang được bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh.